• Hình động trên cùng 1

Đây là kho tư liệu quý hiếm về lịch sử văn hóa độc đáo của Việt Nam, không phải là trang “web” bình thường; hiện có hàng trăm tư liệu quý chưa đưa lên mạng. Xin thử coi vào mục “tưởng niệm”, hiện đã có những phim phỏng vấn những người nổi tiếng như Văn Cao, Phùng Quán, Phạm Duy, Trần Văn Khê và sẽ tiếp tục đưa lên nhiều tư liệu quý nữa. Hay thử coi mục “Giáo dục” đã thử đưa lên một vài bài về nghiên cứu giáo dục từ “phương pháp dạy và học” đến “Chân dung người thầy thế kỷ XX”, nhất là về “lương sư hưng quốc”. Cũng nên quan tâm đến bốn chương trình cùng nhau: "Cùng nhau quảng bá sự thật lịch sử chủ quyền ra thế giới"; "Cùng nhau quảng bá Bếp Việt ra thế giới"; "Cùng nhau đem dân ca - hát thơ vào trường học" và cùng nhau xây dựng chương trình "Ngàn thanh niên thế kỷ XXI", mỗi người một kế hoạch nhỏ góp phần xây dựng Việt Nam thành cường quốc biển.

Trang mạng này đang cần nhiều sự hỗ trợ về tài chánh và nhân lực để đưa lên nhiều tài liệu quý vốn đã có cũng như cho “Quỹ Văn hóa Giáo dục” có nhiều học bổng khuyến học về “Hoàng Sa học” cũng như làm luận văn, luận án tiến sĩ…

QUỸ VĂN HÓA GIÁO DỤC HÃN NGUYÊN NGUYỄN NHÃ ĐỒNG HÀNH CÙNG HIỆP HỘI ẨM THỰC VÀ DU LỊCH VIỆT NAM VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN NGHỆ NHÂN ẨM THỰC DÂN GIAN VIỆT NAM THAM GIA ĐẠI HỘI ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ THẾ GIỚI - CHI TIẾT TẠI AMTHUC.NET.VN

Thứ ba, 25 Tháng 3 2014 19:33
User Rating: / 1
PoorBest 
Share on Facebook

Toàn văn bản tường trình bổ túc lý lịch của giảng viên Nguyễn Nhã theo lời yêu cầu của ban phụ trách nhà trường Đại học Sư phạm Tp.HCM (02/1977).

I - LÝ DO VIẾT BẢN TƯỜNG TRÌNH:

Trong khi kê khai lý lịch cán bộ tôi không kê khai quá trình hoạt động của biên Tập San Sử Địa trong phần lý lịch bản thân mà chỉ nhắc qua trong phần quá trình đào tạo, bồi dưỡng rằng đã tự bồi dưỡng qua quá trình nghiên cứu sử học trên Tập San Sử Địa.

Theo lời yêu cầu của ban phụ trách nhà trường, tôi xin bổ túc phần lý lịch bằng việc thực hiện bản tường trình này.

II - NGUYÊN DO XUẤT BẢN TẬP SAN SỬ ĐỊA:

Nguyên hồi còn là sinh viên Đại học Sư Phạm Sài Gòn từ năm 1964 tôi đã cùng một số bạn sinh viên đứng ra tổ chức “Nhóm ngoại khóa” lấy tên là "Nhóm Sử Địa Đại học Sư Phạm Sài Gòn" rồi xin nhà trường hợp thức hóa cho phép hoạt động. Khi phụ trách thảo chương trình hoạt động, tôi đã dự kiến rằng rồi đây sẽ hợp tác với các học giả và các mạnh thường quân trong nước để ấn hành một tập san nghiên cứu sử địa.

Cơ hội đã tới trong một buổi tổ chức diễn thuyết lịch sử của Nhóm tại giảng đường Quốc gia Âm nhạc, tôi có tiếp xúc và tặng quà một thính giả một cuốn báo Nội san Tin Sử Địa in bằng ronéo, số 11. Được ông này cám ơn, cho biết địa chỉ và mời đến chơi. Người thính giả mà tôi mới quen biết trên chính là ông Nguyễn Văn Trương, giám đốc nhà sách Khai Trí.

Ít lâu sau, tôi đến thăm ông được ông khen tờ nội san rất có giá trị, in bằng ronéo thì uổng lắm. Nếu muốn in "typo" thì ông có thể giúp tiền bạc in thành tập san phổ biến rộng rãi.

Tôi rất mừng, nhận lời và hứa sẽ chuẩn bị tổ chức nhưng vì lúc ấy đang lo chuẩn bị học thi tốt nghiệp nên đã để sau khi tốt nghiệp ra trường mới đứng ra tổ chức ấn hành tập san.

Thế là bản quy chế Tập san Sử Địa đã được tôi soạn thảo và ký kết giữa tôi (đại diện Ban sáng lập) và ông Giám đốc nhà sách Khai Trí với sự chứng kiến của ông khoa trưởng Đại học Sư phạm Sài Gòn Trần Văn Tấn vào ngày 09/07/1965. Ông khoa trưởng đã sẵn lòng để Tập san Sử Địa đặt nhờ tòa soạn ở Đại học Sư phạm vì Tập san Sử Địa do một nhóm giáo sư, sinh viên Đại học Sư phạm chủ trương có sự liên lạc với nhóm Sử Địa ĐHSP Sài Gòn (sinh viên).

III- VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH VÀ QUẢN TRỊ TẬP SAN SỬ ĐỊA:

Theo bản quy chế "Tập san Sử Địa" ký kết ngày 09/07/1965 thì tài chính và việc ấn loát, phát hành do nhà sách Khái Trí đảm nhiệm.

Việc biên tập bài vở do Nhóm Chủ trương Tập san Sử Địa phụ trách.

Mỗi kỳ phát hành, nhà sách Khai Trí sẽ giao cho nhóm Sử Địa 100 cuốn để biếu tặng.

Tiền lời nếu có một phần sẽ dùng vào việc phát triển Tập San, một phần sẽ ủng hộ vào quỹ Nhóm Sử Địa ĐHSP Sài Gòn.

Nhưng trong khi chuẩn bị tiến hành xuất bản số I, thì các điều kiện đã thay đổi vì đôi bên thấy khó tiến hành tốt đẹp. Theo đề nghị của ông Giám đốc nhà sách Khai Trí, nhà sách Khai Trí chỉ giúp tiền bạc, đưa in bất cứ nhà in nào và nhóm Chủ trương phải lo liệu tất cả mọi việc.

1. Về tài chính:

Từ số 1 đến số 4 hoàn toàn do nhà sách Khai Trí đài thọ.

Bù lại chúng tôi giao cho nhà sách Khai Trí một số cuốn báo để bán. Mỗi lần chúng tôi đưa vài trăm cuốn, nhà sách tổng kết lại ít nhất như sau:

Số 1 đưa cho Khai Trí bán 1048 cuốn

Số 2 đưa cho Khai Trí bán 850 cuốn

Số 3 đưa cho Khai Trí bán 1150 cuốn

Số 4 đưa cho Khai Trí bán 1150 cuốn

Từ số 5 đến số 15, chúng tôi lo hoàn toàn về tài chính, được vài số (số 6, 7 và 8, 9 và 10), không phải lấy tiền ở nhà sách Khai Trí, còn các số khác, tôi chỉ lo đài thọ được khoảng ½ chi phí, còn bao nhiêu đều nhờ đến nhà sách Khai Trí, để bù lại, chúng tôi đã giao cho nhà sách Khai Trí bán ít nhất:

Số 5: 600 cuốn

Số 6:520 cuốn

Số 7,8: 350 cuốn

Số 9, 10: 500 cuốn

Số 11: 200 cuốn

Số 12: 500 cuốn

Số 13: 500 cuốn

Số 14, 15: 800 cuốn.

Chưa kể về sau đưa một số để nhà sách Khai Trí đóng bộ.

Từ số 16 trở đi, nhà sách Khai Trí đã thỏa thuận:

Mỗi kỳ xuất bản báo nhà sách Khai Trí sẽ mua ủng hộ 1000 cuốn với hoa hồng 30% để chúng tôi lấy tiền đó mà thanh toán mọi chi phí.

Từ đây, chúng tôi bắt đầu gặp khó khăn về tài chính nhất là giá giấy tăng vọt.

Từ số 27 và 28, chúng tôi không có khả năng lo đủ tiền để mua giấy, giá rất cao, nên đã được nhà sách Khai Trí thỏa thuận in tập san Sử Địa tại nhà in riêng của nhà sách Khai Trí và tiếp giao cho nhà sách Khai Trí 1000 cuốn hoa hồng 30% mỗi kỳ phát hành.

Đến số 29 thiếu hụt tài chính trầm trọng nhất là phải đài thọ chi phí triển lãm tài liệu chứng minh chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa trong khi nhà sách Khai Trí không chịu trợ giúp tiền cho triển lãm và in phụ bản cho số Hoàng Sa.( Đến tháng 4 năm 1975, toàn bộ số 29 giao cho Tổng phát hành Nam Cường và Đồng Nai chưa lấy được tiền)

2. Về quản trị:

Trên bìa báo có ghi đông đảo danh sách:

Ban chủ biên

Những người cộng tác bài vở.

Ban trị sự

Lúc đầu ban sáng lập lo phân công mỗi người một việc nhưng trên thực tế, ai cũng lo bận học hay đi dạy học, hay khi bắt tay vào việc thấy khó khăn, sinh chán nản, nên ngay từ số 1, chủ nhiệm phải lo hết, từ tiền bạc, bài vở, lo in, phát hành và chỉ được một vài người phụ giúp:

Một thủ quỹ giữ tiền: (Phạm Thị Kim Cúc sau Phạm Thị Hồng Liên)

Một hay hai người sửa bài vở ở nhà in và trình bày.(Nguyễn Nhật Tấn)

Về chủ biên, lúc đầu nhờ giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ phụ trách chủ bút, nhưng báo chưa ra, thì giáo sư Dương Kỵ bị chính phủ Sài Gòn trục xuất ra Miền Bắc và tham gia cách mạng. Đến khi ra báo thì áp dụng nguyên tắc không chủ bút, chủ nhiệm nhờ một số người chuyên môn đọc, cho ý kiến rồi chủ nhiệm quyết định hay đề nghị sửa chữa.

Không có làm việc tập thể của ban chủ biên. Thực tế là nhiều người trong diện cộng tác viên viết bài nhiều hơn những người trong ban chủ biên, thậm chí có người trong ban chủ biên chưa viết một bài nào trong 10 năm.

Tất cả các chủ đề đặc khảo hầu như do chủ nhiệm chủ xướng và thực hiện, hầu như không có sự bàn bạc rộng rãi phần lớn phát xuất ở điểm do chủ nhiệm khởi xướng:

Khi có bài thật dài có thể làm nòng cốt cho một số đặc khảo ví dụ ông Phù Lang viết bài dài về Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nam Tiến, Ông Đông Tùng viết về Việt Kiều tại Thái Lan, chủ nhiệm tiếp xúc, kêu gọi, như thảo luận qua thư từ trao đổi hay gặp trực tiếp với những người khác. Khi nào đủ bài thì sẽ cho ấn hành một số đặc khảo.

IV - ĐƯỜNG LỐI CHỦ TRƯƠNG:

Ngày 01/01/1966, với tính cách chủ nhiệm, tôi đã soạn một dự thảo chủ trương đường lối của tập san, in roneo và gửi cho tất cả những người được mời cộng tác ( xem bải quay roneo đính kèm). Bản dự thảo chủ trương đường lối có những điểm đáng lưu ý sau:

Tập san cố gắng phát huy lòng tự hào dân tộc, nhưng luôn tôn trọng sự thực lịch sử như bằng cách làm sáng tỏ các danh nhân Việt Nam.

Tập san Sử Địa là một thí nghiệm cho thiện chí phục vụ văn hóa và sự hợp tác bất vụ lợi:

- Những người trong ban quản trị không đòi hỏi thù lao nào cả.

- Người trợ giúp tài chính (nhà sách Khai Trí) không cần lợi lộc. Như vậy, kẻ góp công người góp của, sẽ cố gắng sao cho Tập san có giá trị, góp phần vào việc phát triển ngành sử địa.

Đường lối chủ trương đã dần dần khai triển, phát biểu qua lá thư tòa soạn, hoàn toàn do tôi viết và không thảo luận hỏi ý kiến ai cả.

Từ số 1 (01/03/1966), lá thư tòa soạn và mục đích ‘Vấn đề quản trị tập san Sử Địa’ (trang 124) đã xác định những vấn đề chính vừa nói trên.

Trong số 4 (tháng 10-12/1966), lá thư tòa soạn viết ‘Chính vì nhận thấy sự cần thiết của tinh thần khoa học trong ngành sử địa cũng như vì thiết tha đến sự góp phần vào công việc xây dựng ngành Sử địa nước nhà còn quá kém cỏi, nên tập san Sử địa cố gắng ra đời…’

‘Trên bước đường tiến tới một trình độ khảo cứu khoa học chân chính, cũng như đạt tới một quan niệm khảo cứu phù hợp với sự tiến bộ của ngành sử địa hiện đại, với thực lực hiện nay, Tập San nghĩ rằng phải có một cố gắng lớn lao, đòi hỏi một thời gian cũng như những cố gắng của mọi người’.

Tập San Sử Địa cũng chú trọng tới lịch sử thời cận, hiện đại của nước nhà, bởi các sử liệu, sự kiện lịch sử thật là phong phú mà lại dễ tìm; nhất là gần và có ít nhiều liên quan với thời đại chúng ta, đỡ phải mang tiếng là xa thực tế, bên lề cuộc sống thích hợp với hoàn cảnh hiện tại của đất nước.

Trong số 6 ( tháng 04-06/1967), là thư tòa soạn viết:

‘Chúng tôi nghĩ con đường tương lai của Tập San vẫn là con đường sát với thực tế, làm sao cho Tập san có những bài thực sự đi sâu vào chuyên môn, thực sự giúp ích cho Sử địa cùng chung với những bài có trình độ phổ thông nhưng không quá thấp, thiếu sự chân xác, đồng thời sẽ cố gắng khai thác các chủ đề và tiếp tục các sinh hoạt văn hóa có lợi cho đất nước’.

Trong số 14 và 15 (4-9-1969), lá thư tòa soạn viết:

‘ Tại các nước tiên tiến, đại học đã đóng giữ vai trò quan trọng để phát triển văn hóa. Đại học chính là những trung tâm phát triển văn hóa.

Tại Việt Nam, người ta đã chỉ trích rất nhiều về Đại học thiếu hẳn tinh thần đại học không khác y một trường trung học.

Quả thật, Đại học Việt Nam hầu như đã thiếu hẳn tinh thần khảo cứu và giữ không đúng mức vai trò lãnh đạo phát triển văn hóa nước nhà của nó.

Sự ra đời của Tập San Sử Địa dưới một mái trường đại học không nhằm mục đích gì hơn là nói lên khát vọng mong muốn Đại học Việt Nam sẽ trở thành những trung tâm phát triển văn hóa nước nhà’.

Trong số 25 (1-2-1973), lá thư tòa soạn viết:

‘ Nghiên cứu và cống hiến những chất liệu tình tự dân tộc, Sử Địa không nhằm mục đích qoan yếu nào hơn là để quốc dân có vững tin vào vận mệnh của đất nước, rằng tất cả chỉ là nhất thời, rằng đất nước chúng ta sẽ trường tồn và toàn vẹn ở mai sau’.

Trong số 26 (1-3-1974), lá thư tòa soạn viết:

‘ Điều bi thảm nhất, tai hại nhất hiện nay không chỉ là sự tàn phá ghê gớm của guồng máy chiến tranh tối tân mà là sự khác biệt, sự tương phản lớn lao giữa hai nền văn hóa, nếp sống của hai miền Nam – Bắc, khiến những di hại phân ly khi xưa được đào sâu, khiến mọi người e ngại đến sự thuần nhất, đến sức mạnh dân tộc, nếu một mai đất nước chúng ta thống nhất trở lại’.

‘ Nhóm chủ trương Tập san Sử Địa tha thiết kêu gọi tất cả những người Việt bất cứ ở đâu, trong nước hay ngoài nước, bên này hay bên kia, nhất là những nhà làm văn hóa hãy nghĩ đến việc làm sao làm san bằng sự khác biệt ấy, để tránh những di hại về sau’.

‘ Một nền văn hóa dân tộc thống nhất đích thực sẽ là lý tưởng tốt đẹp nhất của thế hệ chúng ta hôm nay.’

‘ Nhóm chủ trương Tập san Sử Địa ước mong rồi đây sẽ thấy phát khởi một ‘ Cao trào văn hóa dân tộc thống nhất’. Cao trào văn hóa trên sẽ lấy tinh túy cổ truyền làm nền tảng. Lấy sự sáng tạo thuần túy dân tộc để phát huy, lấy tình tự dân tộc làm căn bản, lấy tình thương nòi giống làm phương châm, bớt phân lý tưởng, thêm phần yêu thương, bớt nghi kỵ, bỏ lọc lường’. Chỉ những tinh túy cổ truyền, lọc ra những bản sắc thuần túy dân tộc từ ngàn xưa và sự sáng tạo thuần túy dân tộc ngày nay mới là mẫu số chung cho một nền văn hóa dân tộc thống nhất cho tất cả những người Việt yêu nước ở bất cứ nơi đâu, ở bên này hay bên kia.

“Chúng tôi kêu gọi những nhà làm văn hóa Việt Nam bất cứ ở nơi nào, trong nước hay ngoài nước, ở bên này hay bên kia, hãy tích cực thực hiện những công trình nghiên cứu và sáng tạo về những bản sắc thuần túy dân tộc qua ngôn ngữ, văn chương, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc, phong tục tập quán… Chúng tôi đề nghị thành lập những viện nghiên cứu văn hóa dân tộc thống nhất miền Nam cũng như Miền Bắc, tại các nơi đó có đông Việt Kiều như Pháp, Thái Lan, Miên…”

“Chúng tôi cũng kêu gọi các giới chức thẩm quyền đôi bên yểm trợ cho những nhà văn hóa chân chính thực hiện những công trình giá trị”.

Trong số 27 và 28, lá thư tòa soạn viết:

“ Quá khứ, Sử Địa đã được lòng tin yêu của bạn đọc, của các bậc trưởng thượng, thân hữu, tích cực hợp tác với Sử Địa. Tương lai, chúng tôi cũng mong được các nhà văn hóa chân chính Việt Nam bất cứ ở đâu bên này cũng như bên kia, thương mến, hỗ trợ, tiếp tay việc làm góp phần xây dựng nền quốc học …”

“ Trên đây, chúng tôi cũng xin quí bạn đọc và thân hữu hiểu cho lý do tại sao Sử Địa không chịu đăng tải nhiều những sử liệu thế giới hay địa lý, tại sao chúng tôi đã từ chối những bài về sử địa thế giới dù có giá trị, bởi rõ ràng chủ trương cố hữu của Sử Địa là muốn chuyên khảo quốc sử trước và cũng là chủ trương phát huy quốc học. Sau này, khi phần nghiên cứu quốc sử đã phần nào được thỏa mãn, Sử Địa sẽ được quân bình hóa về sử cũng như về địa, quốc sử cũng như thế giới sử…

“Đến nay Sử Địa mới thực tham gia mạnh mẽ sát cánh cùng những người làm văn hóa dân tộc để một phần nào đáp lại những kỳ vọng ấy. Nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn không chủ trương kết thúc thành bại giữa anh em với nhau mà chúng tôi chỉ mong cùng đóng góp vào thế đứng chung của nền văn hóa dân tộc để chúng ta cùng ý thức, cùng hành động, cùng tiến bộ có lợi cho trường kỳ dân tộc, chống lại mọi sự nô lệ văn hóa ngoại lai từ hàng ngàn năm đến nay”

Trên đây là những đoạn trích nguyên văn Lá thư tòa soạn suốt trong gần 10 năm qua, đã công khai lên tiếng chính thức, một phần nào đã cho biết rõ lập trường chính trị của người viết, người chủ trương cũng như của Tập San Sử Địa, lập trường ấy là lập trường dựa trên cơ sở dân tộc và tình thương nòi giống, việc làm có tính chất văn hóa dân tộc!

Nếu đi sâu vào sinh hoạt trong cuộc, ta sẽ thấy thêm những tình tiết đặc biệt để lộ những điều thầm kín về lập trường, tỷ như:

- Khi sửa soạn số 16, đặc khảo về Việt Kiều tại các lân bang Miên Thái Lào, ông Đông Tùng đưa đăng một số bài, trong đó ông cho biết có đoạn kể chuyện và trích thơ của Hồ Chủ Tịch (dưới bí danh Tín Thầu ở Thái Lan), nếu tòa báo sợ liên lụy thì cứ đục bỏ. Tôi đã quyết định giữ đăng đoạn đó (Sử Địa số 16, trang 333).

- Khi chuẩn bị số 23 và 24, đặc khảo về Đà Lạt, ông Hoàng Xuân Hãn gửi đăng bài “Một vài ký vãng về Hội Nghị Đà Lạt” ở kết luận viết khá mạnh đụng chạm đến chính quyền , ông cho biết, nếu thấy bất lợi, gây khó khăn cho Tập San, thì tòa soạn cứ tự tiện cắt bỏ, tôi đã quyết định để nguyên.

- Đoạn kết ấy nguyên văn như sau:

‘” Còn đối với nước ta thì hậu quả của sự ngoan cố của phe thực dân đến nay còn cay độc. Chiến tranh còn dày xéo đất nước, dân tộc ta. Nhưng chiến tranh cũng có ngày hết. Nước Việt Nam độc lập, hòa bình sẽ thân thiện với các nước chung hòa bình

“ Nay nước ta coi như

Thịt một miếng trăm dao xâu xé

Dao Mĩ, dao Úc, dao Triều Tiên, dao Thái Lan”

“Nhưng dao Pháp trước cầm sâu như vậy mà cũng thành bàn tay thân thiện, thì những dao kia cũng rút đi”

“ Bấy giờ, những điều hòa bình, độc lập và cả thống nhất mà phái đoàn Đà Lạt đã hết sức tranh đấu trong các buổi họp sẽ bởi dân tộc ta tự định đoạt. Nếu tất cả mọi người còn nhớ hai tiếng Đoàn Kết”

“ Như tiếng vọng của dĩ vãng nước nhà mỗi lúc lâm nguy, thì có lẽ với lòng ái quốc của mọi người thành thật, những điều ấy sẽ đạt (Sử Địa số 23, 24, tr. 255-256)

Tôi cũng rất ái ngại số này bị tịch thu, nhưng may đã thoát. Có lẽ một phần tôi dùng kỹ thuật tránh né như không in liên tục toàn bài, cắt phần cuối để vào cuối tờ báo, nạp bản vào ngày thứ bảy. Với gần 400 trang, kiểm duyệt chỉ đọc thoáng qua không thể phát hiện đoạn văn nhỏ ấy. Đến khi chúng tôi in riêng bài của ông Hãn thành sách, xin xuất bản thì đã không cho phép phát hành.

Trong số 29, đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, tôi đã viết phần giới thiệu LTS ở bài “Các văn kiện chính thức xác nhận chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời Pháp thuộc tới nay của Bài Ông Trần Đăng Đại, ở trang 274 như sau:

“ Từ khi bị người Pháp đổ bộ đến nay, lần lượt chính quyền thống trị Pháp hoặc chính quyền bản xứ do họ dựng lên, gạt bỏ chính danh về phương diện chính trị đối với nhân dân Việt Nam, các nhà cầm quyền ấy về pháp lý đã tiếp tục nói lên việc hành sử chủ quyền của các nhà cầm quyền cai trị xứ sở này. Sự liên tục ban hành các văn kiện từ gần nữa thế kỷ nay về Hoàng Sa và Trường Sa đã là một bằng chứng hùng hồn rằng dù bị ngoại nhân thống trị hay chiến tranh, việc hành sử chủ quyền của Việt Nam (qua nước bảo hộ, đại diện Việt Nam hoặc do chính phủ bản xứ) trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn được liên tục”

(Sử Địa số 29, tr.274)

Ngoài ra trong quá trình hoạt động văn hóa, tôi đã tiếp xúc với nhiều người, trong đó có các bạn trẻ như Trần Triệu Luật, Trần Quang Long, Nguyễn Trọng Văn, tất cả đều hoạt động cách mạng, trong số đó, 2 người trên đã hy sinh trong cuộc kháng chiến vào những năm 1968 trở về nước, tôi thường thổ lộ tư tưởng với các bạn ấy rằng “khi người Mỹ đem quân ồ ạt sang đây đã lộ rõ sự mất chính nghĩa, tăng cường sức mạnh tinh thần cho phía Mặt Trận”

Tôi cũng đã trao đổi tư tưởng, chủ yếu là phạm vi văn hóa với Ông Đông Tùng, một người được phái khiến vào Nam hoạt động năm 1954, bị bắt đến năm 1963 được thả ra, tiếp tục hoạt động cách mạng. Chính tôi đã tàng trữ nhiều tài liệu về lịch sử cách mạng (hàng ngàn trang đánh máy/) do Ông Đông Tùng trao, cũng như tôi cũng từng cho ông mượn các sách xuất bản ở Miền Bắc do tôi mua được từ Paris. Vào năm 1974, tôi đã trao một số thuốc men cho ông khi Ông từ biệt tôi vào khu giải phóng một thời gian lâu mà ông nói về Bắc.

Ngoài ra, tên giáo sư Lê Văn Hảo vẫn được in trên bìa Sử Địa cho đến số cuối cùng ( số 29) trong danh sách những người hợp tác với Sử Địa, mặc dù từ năm 1968, Giáo sư Lê Văn Hảo đã ra tham gia cách mạng làm Chủ Tịch Liên Minh Dân Chủ và Hòa Bình ở Huế. Điều này cũng đã thầm kín nói lên lập trường của những người chủ trương Tập San Sử Địa,( không phân biệt chính kiến).

V - SƠ BỘ ĐÁNH GIÁ NHỮNG ĐIỀU ĐÃ THỰC HIỆN CỦA TẬP SAN SỬ ĐỊA:

Khi Tập San Sử Địa được 5 tuổi, trong mục lá thư tòa soạn số 21 ( tháng 1-3-1971), tôi đã viết đánh giá sơ khởi như sau:

“ Năm năm đã qua, sự đóng góp của tập san Sử Địa chưa có là bao so với sự mong đợi của mọi người cũng như đối với những người chủ trương Tập San này. Dù sao, trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, chiến tranh khốc liệt, thiếu thốn tài liệu, thiếu tài chính, thiếu nhân sự chuyên môn và rất ít khích lệ … Tập San Sử Địa đã nói lên được lòng yêu mến sử học cũng như địa lý nước nhà. Sử Địa cũng gióng tiếng chuông thúc dụng Đại Học Việt Nam sớm làm tròn nhiệm vụ phát triển văn hóa dân tộc.

“Với 21 số báo, trong số có những đặc khảo về các danh nhân như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Thanh Giản, Quang Trung hay các chủ đề quan trọng như phong tục Tết Việt Nam, Việt kiều tại Thái Miên Lào, Nam tiến của dân tộc Việt Nam, đường lối của Tập San Sử Địa đã phần nào được thể hiện.

(Lá thư tòa soạn số 21, tr.2)

Đến nay, sau khi Miền Nam được giải phóng, bản thân tôi được tiếp thu những kiến thức mới, quan điểm sử học cách mạng. Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin, tôi thấy một số điểm như sau:

- Về lập trường chính trị, trong thời buổi ấy, có phần tiến bộ như kín đáo bày tỏ sự chối bỏ tính cách chính danh của chính quyền . (Lời giới thiệu của tòa soạn trong bài của Bà và Ông Trần Đăng Đại nói lên trong số 29, tr.274) không có luận điệu chống lại cách mạng, không có những quan điểm trái ngược với cách mạng, tuy chưa đạt đúng mức của quan điểm cách mạng, luôn đứng trên lập trường dân tộc, yêu đất nước để nghiên cứu sử địa nước mình, luôn kêu gọi đoàn kết, thống nhất tình thương, chú trọng đến quốc sử, chú trọng đến bản sắc dân tộc, truyền thống dân tộc, chú trọng đến danh nhân, anh hùng dân tộc.

Đến nay mức độ đó chưa đủ, chỉ có tính cách chung chung, cần phải có tính chiến đấu cao hơn, phải phê phán kẻ thù, nhất là trong gia đoạn Cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa, vấn đề dân tộc không thể chung chung như thế nữa, mà phải đấu tranh giai cấp quyết liệu hơn, phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân. ..

- Về chuyên môn, Tập San cung cấp được nhiều tư liệu giá trị, nhất là các anh hùng dân tộc Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Quang Trung. Chiến thắng xuân Kỷ Dậu (Đống Đa), 200 năm phong trào Tây Sơn, Đà Lạt, Hoàng Sa và Trường Sa…

Nhưng các tư liệu ấy có vẻ sa vào chủ nghĩa khách quan, vào rừng các các sự kiện lịch sử tản mạn, không toát ra được những vấn đề cốt yếu, những qui luật lịch sử, không chú trọng đến khía cạnh tác dụng chiến đấu của cách mạng trong việc biên soạn các chủ đề như Nam tiến của dân tộc Việt Nam, Hoàng Sa và Trường Sa có quan tâm đến vai trò nhân dân, nhưng chưa đúng mức, có ý hướng tiến bộ, nhưng có nhiều mặt hạn chế, chưa được chủ nghĩa Mác soi sáng.

- Vấn đề nhân sự hợp tác trong quá trình 10 năm đã bị chi phối bởi “tư tưởng phi chính trị”, không phân biệt màu sắc chính trị, không phân biệt rõ bạn thù – vừa hợp tác với những người hoạt động cách mạng như là Lê Văn Hảo, Đông Tùng, Nguyễn Quang Tô, đến những người thiên cách mạng như Sơn Nam, đến những người không màu sắc rõ rệt như Hoàng Xuân hân, Bùi Quang Tung, đến những người thân chính quyền như Phạm Văn Sơn, Thái Văn Kiểm… Khi Nhóm chủ trương Tập San Sử Địa phát triển thành hình Nhóm Nghiên Cứu và Phát Huy Truyền Thống Việt Nam cũng thế, khi hợp tác các nhà nghiên cứu khác, chỉ chú trọng đến khả năng mà không phân biệt lập trường chính trị.

Cho đến nay, tôi chưa lượng định được hậu quả tác dụng toàn diện của Tập San Sử Địa. Nhưng có một vài sự kiện khiến tôi suy nghĩ:

- Trong khóa bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ hè 1976 tại Trung Tâm Thánh Mẫu Gia Định, tôi có gặp anh Cao Nguyên Lợi hiện là giáo viên Sử cấp 3 Trường Lê Quí Đôn, thành phố Hồ Chí Minh có trao đổi với tôi cho biết:

“Trước đây, khi anh còn là sinh viên ban Sử Địa Đại Học Sư Phạm Sài Gòn được những lời trong Lá thư Tòa Soạn của Tập San Sử Địa nhất là từ số 2 đã làm khơi dậy tinh thần dân tộc nơi anh, thúc đẩy anh đi vào con đường hoạt động đấu tranh của phong trào sinh viên, tham gia Mặt Trận , bị bắt đầy đi Côn Đảo nhiều năm”.

Một số các học trò của tôi rất ưa thích Tập San Sử Địa, từng được tôi tặng báo, luôn quí mến tôi, điển hình là Lê Thanh Trọng hiện là giáo viên kỹ thuật phụ trách công tác đoàn ở Thành Đoàn và ở Trường Nguyễn An Ninh…

Các trường hợp trên có thể là lẻ tẻ hoặc phổ biến hay không thì tôi không được rõ, nhưng tôi chỉ biết chắc một điều rằng:

Tập San Sử Địa được những người cách mạng hoạt động văn hóa trong vùng địch, có nhiều cảm tình như nhà văn Vũ Hạnh, Đông Tùng( Nguyễn Tư Hồng), Nguyễn Quang Tô … hay những người có cảm tình với cách mạng như Lý Chánh Trung, Trương Bá Cần, Chân Tín, Sơn Nam cũng rất quí mến Tập San Sử Địa.

Rõ ràng Tập San Sử Địa cũng có nhiều mặt hạn chế trong hoàn cảnh ở vùng tạm chiến.

x x

x

Tất cả những mối quan hệ chằng chịt kể trên, nhất sự quan hệ chặt chẽ với Ông Đông Tùng( Nguyễn Tư Hồng) trước ngày Sài Gòn được giải phóng, tôi đã rất vững tâm, không hề dao động trong thời gian tiến hành cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân 1975, đã từng vận động giữ vững tinh thần của những người thân thương bị giao động. Đó cũng là nguyên do, tại sao vào những ngày đầu tiên Miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi đã phấn khởi và hoạt động tích cực trong chức vụ Trưởng Ban ủy lạo đón tiếp các chiến sĩ cách mạng của tập thể giáo sư Đại học Sư Phạm Sài Gòn .

Về sau, vì không muốn bị hiểu lầm, tôi đã bỏ bớt các hoạt động, chỉ lo công tác chuyên môn tại trường…

VI - ĐỘNG CƠ THÚC ĐẨY VÀ CHỦ TRƯƠNG BIÊN SOẠN SỐ 29, ĐẶC KHẢO VỀ CHỦ QUYỀN VIỆT NAM TRÊN QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA TẠI THƯ VIỆN QUỐC GIA, SÀI GÒN:

Cũng như tất cả các số chủ đề khác, không do ai gợi ý, góp ý kiến cả, cũng như các cuộc tổ chức khác như tổ chức lễ kỷ niệm diễn thuyết về vị anh hùng dân tộc Trương Định hay về “Năm mươi năm cải lương” (nhạc), cũng không có ai đưa ý kiến đề nghị cả, mà tất cả do chính tôi chủ xướng. Phải chăng là do tôi là người hay có nhiều ý kiến đề nghị, nhiều sáng kiến, hay chủ động trong công việc. Phải chăng những người cộng tác với tôi ít sốt sắng quan tâm, ít sáng kiến? Phải chăng do không có lề lối làm việc tập thể? Đã chẳng khi nào có phiên họp của nhóm chủ trương, ban chủ biên, thì sao có sự đóng góp ý kiến được? Tại sao tôi có thể tự chuyên, tự quyết như thế được? Một phần là do sự thành hình và quá trình hoạt động của Tập San, cũng như tình trạng nhân sự của nhóm chủ trương. Tuy danh sách nhân sự thì nhiều nhưng trong thực tế lại khác, trong những người trẻ như tôi, nếu có một số người có thiện chí, khả năng thì lại bận bịu công việc riêng hay ở xa, không đóng góp gì nhiều, còn lại phần lớn không ham thích, nề lời tham dự cho vui, nên rất lơ là, thậm chí báo ngưng cả năm trời cũng chẳng thấy ai hỏi thăm một câu. Còn những người lớn tuổi, không cùng vai vế với chúng tôi, phần lớn là thầy dạy học chúng tôi, nhận vào ban chủ biên để khuyến khích hay nể lời, không có gì ràng buộc cả. Ngoài ra, công việc làm bạc bẽo, không được coi trọng, chẳng có lợi lộc gì, nên mọi người cũng phó mặc cho tôi làm thế nào thì làm. Vả lại, tôi làm cũng được việc nên không có gì đáng chê trách.

Nói chung, động lực thúc đẩy tôi biên soạn và tổ chức đều phát xuất từ lòng ham thích nghiên cứu những vấn đề thấy thích thú hay ước muốn xây dựng uy tín cho dân tộc, được mọi người biết tới. Tất cả đều khởi đầu từ những gì rất đơn giản, có tính cách tùy hứng, một ý nghĩa vụt qua, một xúc động nào đó, một sở thích có tính cách cá nhân, có tính cách chuyên môn, chứ chẳng phải là do ý đồ gì lớn lao, suy tính kỹ càng, sâu xa.

Riêng số đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, tôi đã nảy ý xuát bản bộ Đặc Khảo này vào những ngày tết năm Giáp dần (1974), vì tôi nghĩ rằng là người chuyên môn sử địa phải có trách nhiệm nghiên cứu, cho ra lẽ trắng đen, ai là thực sự chủ quyền ở Hoàng Sa, là cứ tranh chấp nhau từ cuối thế kỷ 19 tới nay. Tôi tự cảm thấy có trách nhiệm vì tôi là chủ biên một tạp chí nghiên cứu Sử Địa duy nhất ở Miền Nam.

Nghĩ như vậy, là tôi bắt đầu bắt tay làm việc từ ngày mùng Ba Tết, viết thư, gửi những người chuyên môn, trao đổi ý định biên soạn số chủ đề về Hoàng Sa, và nhờ mọi người viết bài, bất vô si, kể cả Ông Đông Tùng. Tôi chỉ chú tâm đến vấn đề chuyên môn, tìm ra tài liệu, bất kể đến tác dụng chính trị nào khác. Trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, chẳng chi cản được ý nghĩ độc lập của tôi, và sai khiến được tôi, hạn chế được tôi, vì chủ nghĩa cá nhân lúc bấy giờ phát triển thật cao độ.

Trong khi tiến hành biên soạn, Ông Đông Tùng có gặp tôi trao đổi, can tôi không nên ra số đặc khảo về Hoàng Sa, và viện cớ rằng Sử Địa dù sao cũng có uy tín về đặc khảo cứu nay chính quyền có phương tiện, đã lâu rồi mà vấn đề này lại khó, hiếm tài liệu, chắc gì đã làm hay hơn họ, như thế sẽ rất mất uy tín của Sử Địa đi. Tự ái tôi đã bị va chạm, tôi chấp cả chính quyền, để rồi xem họ có phương tiện, họ có làm hơn tư nhân như chúng tôi hay không, tôi lại càng đem hết sức mình mà làm việc, chính mình cũng tìm tài liệu mà viết.

Chỉ sau 3 tháng làm việc, chúng tôi đã có một số tài liệu, bài viết khả quan, khả dĩ có thể xuất bản. Nhưng đây là lần đầu tiên Sử Địa đề cập đến vấn đề có tính cách thời sự, nên tôi đã đắn đo, khi có ý kiến rằng hiện nay chính quyền đang làm rùm beng vụ Hoàng Sa để khai thác, có ý đồ chính trị phe phái như lấp liếm vụ sửa đổi Hiến pháp để (Ông Nguyễn Văn Thiệu) được ứng cử Tổng Thống và đả kích Miền Bắc, nên Sử Địa cho ra số đặc khảo này sẽ khiến mọi người hiểu lầm mình chạy theo Chính quyền, làm tay sai cho chính quyền. Do đấy, tôi đã quyết định không xuất bản ngay mà đợi êm, chính quyền không khai thác rùm beng nữa, định đến ngày kỷ niệm 1 năm mất Hoàng Sa sẽ cho ra số báo này, đồng thời phải hoạch định một đường lối trình bày vấn đề Hoàng Sa một cách nghiêm chỉnh hơn, một vấn đề lớn của dân tộc, có tính cách trường kỳ, chứ không thể như đường lối khai thác chính trị phe phái. Thời gian dài gần một năm khiến chúng tôi sửa soạn kỹ hơn, hoàn chỉnh hơn.

Ngoài ra biến cố Hoàng Sa đã thực sự làm tôi xúc động. Tôi là người rất dễ bị xúc động trước các vấn đề dân tộc. Hồi còn nhỏ, khi nghe tên các vận động viên thể thao đứng hạng bét trong một cuộc tranh tài quốc tế ở Mã Lai, tôi đã xúc động không cầm được nước mắt khi thấy xót xa nhục nhã, khi lần đầu tiên thấy nhiều xác chết của bộ đội giải phóng hồi tết Mậu Thân, tôi cũng không cầm được nước mắt. Rồi chính trong buổi lễ triển lãm tài liệu về Hoàng Sa, tôi đã xúc động, khóc trước mọi người. Với tình cảm như vậy đã thúc đẩy tôi quyết định phản ứng của người trí thức trước biến cố Hoàng Sa.

Chủ trương biên soạn đã thể hiện rõ rệt trong bài “Thử Đặt Vấn Đề Hoàng Sa”, do tôi viết ở trang 351 như sau:

“ Chúng tôi cũng đặt vấn đề Hoàng Sa trước lương tâm của tất cả những người Việt Nam, ở bên này hay bên kia, hãy đặt quyền lợi tối thượng muôn đời lên trên mọi tranh chấp nhất thời, đừng đổ lỗi cho nhau, đừng chia cách mà hãy nhìn thẳng vào thân phận nhược tiểu để sáng suốt tìm cách bảo vệ di sản của tiền nhân. Vấn đề Hoàng Sa như thế biết đâu sẽ là khởi điểm cho các nỗ lục tìm hiểu nhau, tôn trọng lẫn nhau không chối bỏ nhau và đi tới việc ngưng, chấm dứt chém giết giữa người Việt một cách phi lý và vô ích.

“Chúng tôi cũng xin đề nghị bất cứ một chính quyền nào ở Việt Nam, nhất là những giới chức có thẩm quyền về giáo dục hãy đem vấn đề Hoàng Sa vào chương trình học của sinh viên, học sinh”.

(Sử Địa số 29, tr.351)

Như thể chủ trương của Tập San Sử Địa khác hẳn với chủ trương của chính quyền về Hoàng Sa.

Trong khi chính quyền khai thác Hoàng Sa về chính trị, đả kích miền Bắc, Tập San Sử Địa lại chủ trương ngược lại, đặt vấn đề Hoàng Sa nghiêm chỉnh hơn, “Đừng đổ lỗi cho nhau, đừng xa cách”.

Trong khi chính quyền có những luận điệu khích bác với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, tập san Sử Địa trình bày một cách khoa học, khách quan vấn đề chủ quyền qua các công trình nghiên cứu giá trị, không bôi bác, đả kích.

Về động cơ thúc đẩy triển lãm tài liệu Hoàng Sa cũng rất giản dị. Chúng tôi được một người bạn mới du học ở Đài Loan về cho biết tại Đài Bắc, chính quyền Đài Loan đã tổ chức triển lãm minh chứng chủ quyền ở Hoàng Sa. Chúng tôi lại nghe tin tại Bắc Kinh cũng tổ chức triển lãm về Hoàng Sa. Chúng tôi thấy chính quyền không quan tâm đến Hoàng Sa như là vấn đề của dân tộc, mà chỉ khai thác về vấn đề chính trị. Chúng tôi tự cảm thấy, là người dân, những người trí thức, chuyên môn nghiên cứu về Sử Địa, có trách nhiệm làm công việc mà chính quyền đã tỏ ra lơ là vào cuối năm 1974. Ngoài ra tổ chức triển lãm, rất thuận tiện ra mắt số Đặc khảo về Hoàng Sa, góp phần tăng uy tín của Tập San Sử Địa.

Nhưng việc tổ chức đòi hỏi nhiều nhân sự, mà chúng tôi thiếu, vì thế tôi đã ngỏ ý hợp tác với Ủy Ban Vận Động Xây Dựng Quốc Tổ Hùng Vương và Vovinam, do bác sỹ Ngô Gia Hy chủ trương (cháu ruột Ngô Gia Tự). Đây là vấn đề tổ chức đầu tiên có tích cách thời sự, nên tôi cũng e ngại, đã mời một số thân hữu trong nhóm chủ trương Tập San Sử Địa đến nhà tôi chơi và hỏi ý kiến, đặt vấn đề nên hay không nên tổ chức, có thể bị hiểu lầm chăng?Tuy có ý kiến khác nhau song mọi người đều nhất trí rằng đây là vấn đề dân tộc lâu dài, quyền lợi tối thượng của dân tộc, mọi người không phân biệt xu hướng chính trị, phải tìm cách tranh đấu, bảo vệ trong phạm vi khả năng riêng của mình. Nếu xét thấy có khả năng tổ chức thì cứ làm, không nên quá e dè, sợ hiểu lầm gì cả, quan trọng là đường lối nghiêm túc của mình, làm việc có tính cách khoa học.

Việc chúng tôi mời năm vị bô lão khoảng 80 tuổi làm chủ tọa trong buổi lễ khai mạc, việc lấy ngày 20 tháng 01, kỷ niệm ngày thất thủ Hoàng Sa thay vì ngày 19 tháng 1, chính quyền (Hải quân VNCH) kỷ niệm chiến thắng Hoàng Sa, việc từ chối trưng bày chiếc xuồng Trung Quốc, chiến lợi phẩm của Hải Quân , trong cuộc tác chiến, tất cả đã mang ý nghĩa đặc biệt về chủ trương nghiêm chỉnh, độc lập với chính quyền .

VII- DÙNG PHƯƠNG TIỆN NÀO ĐỂ ẤN LOÁT SỐ 29, ĐẶC KHẢO VỀ HOÀNG SA VÀ TỔ CHỨC TRIỂN LÃM TÀI LIỆU MINH CHỨNG CHỦ QUYỀN VIỆT NAM TRÊN QUẦN ĐẢO HOÀNG SA TẠI THƯ VIỆN QUỐC GIA

Việc ấn loát số 29 cũng như từ số 27 và 28 tại nhà in riêng của nhà sách Khai Trí, chi phí thanh toán bằng cách trừ tiền 1000 cuốn sẽ giao cho nhà sách Khai Trí phải trả ( 686 x 1000 = 686.000 $), (hoa hồng 30% giá bán 980 đ/ 1 cuốn) còn lại một số tiền, sẽ thanh toán trả cho nhà sách Khai Trí, sau khi thu tiền bán ở các nơi.

Ngoài ra, nhà sách Khai Trí không chịu in các bản đồ và phụ bản vì quá tốn kém. Chúng tôi đã nhờ các thân hữu ở hãng giấy Cogido mua chịu giấy, và nhờ in với giá rẻ ở Nha Địa Dư Đà Lạt và Trung tâm Học liệu in bản đồ, phụ bản.

Chi phí triển lãm thì chúng tôi trích tiền quỹ sử địa lúc bấy giờ còn khoảng 300.000 $. Số tiền tiêu gần hết nên Tập san thiếu tiền, phải chịu tiền nhuận bút, chưa trả được cho các tác giả.

Tình trạng thiếu hụt này đã được một ký giả tạp chí Bách Khoa biết và đã viết trên tạp chí Bách Khoa Giai Phẩm Tân Niên số …. (tức số 423).

“ Ông Nguyễn Nhã, chủ nhiệm Tập San Sử Địa, trong ngày cuối năm, chở một chồng báo Sử Địa cao trên chiếc xe gắn máy cũ của mình, đã cười buồn: “ Món tiền nhuận bút số Sử Địa này đã dốc cả vào cuộc triển lãm rồi, chưa biết tính sao đây. Tiền in bản đồ cũng còn thiếu nữa!” tuy nhiên, lần này thì lệ không tràn ra ngoài mi như sáng hôm khai mạc triển lãm nữa mà chắc hẳn đã chảy vào tim ông”.

(Thế nhân, cuộc Triển lãm về Hoàng Sa, tạp chí Bách Khoa, ngày 19-2-1975 , tr. 78)

Tuyệt nhiên, chúng tôi đã không lấy một ngân khoản nào khác của bất cứ ai, bất cứ cơ quan công tư nào để trang trải, ấn loát và triển lãm cả. Cũng may, nhờ tự làm lấy, in ảnh lấy, nên tốn phí tương đối ít. Vậy mà vẫn còn thiếu nợ tiền in phụ bản, bản đồ được Nha Địa Dư Quốc Gia và Trung Tâm Học Liệu…ủng hộ và không có tiền trả tiền nhuận bút.

Ông Nguyễn Hiến Lê, một học giả nổi tiếng ở Miền Nam đã viết bài “Cảm tưởng vui về xuân” trên tạp chí Bách Khoa số D/ IV.XXIV ( số 424) vấn đề bảo trợ như sau:

“ Khi cảm ơn ông, tôi hỏi:

- Phí tổn in mất bao nhiêu?

Ông đáp:

- Khoảng trên 1.000.000 đ, gồm cả tiền in bản đồ, phụ bản.

tôi lại hỏi:

- Chính quyền có bảo trợ cho một phần nào không?

Ông chủ nhiệm mỉm cười, nhún vai, lắc đầu.

Tôi lại hỏi:

- Có những bài rất giá trị. Bộ Văn Hóa có trích dịch ra Hoa, Anh, Pháp Ngữ để phổ biến ở ngoại quốc không?

Ông đáp:

- Xin anh hỏi chính quyền. Lúc này chưa có ai làm gì.

Như vậy là chính quyền cho nhường cho các anh độc quyền làm thử văn hóa ái quốc, họ giữ độc quyền làm thứ văn hóa khác”.

(Nguyễn Hiến Lê, “Cảm tưởng vui ngày xuân”, tạp chí Bách Khoa số D/IV.XXIV (424), ngày 3/3/1975)

VIII- TẠI SAO CHÍNH QUYỀN KHÔNG BẢO TRỢ, LẠI GÂY KHÓ DỄ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN LÃM TÀI LIỆU CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN VIỆT NAM TẠI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA:

Việc gây khó dễ này đã được các báo chí lúc bấy giờ phản ánh.

Trên tạp chí Bách Khoa, ký giả Thế Nhân viết như sau: “ Nhiều người thoạt đầu tưởng cuộc triển lãm về Hoàng Sa là của chính quyền, nhưng xem lại, hỏi lại mới rõ là do ba nhóm và đoàn thể nói trên tổ chức trong những hoàn cảnh cực kỳ vất vả”

“Đơn xin mở phòng triển lãm nộp trước đúng một tháng ( 20/12) mà 23 hôm sau, phải năn nỉ mới được giấy phép của Bộ Giáo Dục, Văn Hóa và Thanh Niên. Và sáng thức hai khai mạc thì chiều thứ 7 mới nhận phòng. Anh em trong ban tổ chức đã làm việc suốt từ lúc đó đến gần giờ giới nghiêm, rồi lại làm việc suốt ngày chủ nhật, ăn hai bữa bánh mì trừ cơm tại chỗ, mà sáng thứ hai còn phải viết trên vách đến tận 9 giờ sáng mới xong, vừa vặn trước giờ khai mạc một tiếng đồng hồ.

“Lễ khai mạc đặt dưới quyền chủ toạ của năm vị lão thành có thành tích cách mạng hay văn hóa như các cụ: Ba Liệu, Á Nam,Nhất Thanh, Trần Văn Quế… và đặc biệt là không có một vị tổng bộ trưởng hay đại diện nào tham dự, mặc dầu giấy mời của Ban tổ chức đã gửi đến đủ các bộ (Thế Nhân, Cuộc triển lãm…, tạp chí Bách Khoa số C/IV.XXIII, tr. 77).

Sau khi khai mạc triển lãm, nhiều người đến xem, rất thích, trong đó có nhà văn Sơn Nam đã phát biểu cảm tưởng ghi trong sổ vàng như sau: “ Một cuộc triển lãm bổ ích và thú vị nhất trong năm. Tài liêu phong phú, gây xúc động ngoài dự liệu của tôi. Ban tổ chức quả thật đã làm việc cần cù, thông minh và có kích thước quốc tế”, và đề nghị Ban tổ chức xin phép chính quyền triển hạn lại ít ngày nữa. nhưng đề nghị của chúng tôi xin triển lãm thêm 3 ngày đã không được chính quyền chấp thuận.

Ngoài ra, ngay sáng sớm hôm khai mạc, chính quyền đã sai mật vụ giả làm ký giả nhật báo Chính Luận đến dò xét, rồi đến khi vị chủ tọa đọc lời phát biểu không mấy thuận lợi cho chính quyền thì tên ký giả đội lốt này đã gạt Ban tổ chức lấy bản chép tay lời phát biểu trên. Sau Ban tổ chức phối kiểm, thì mới vỡ lẽ báo Chính Luận không hề cử phóng viên tới dự.

Tại sao có sự việc trên? Hồi ấy chúng tôi phân tích, ước đoán có thể do:

- Chính quyền e ngại, không biết rõ xu hướng chính trị của Ban tổ chức nhát là Nhóm chủ trương Tập San Sử Địa (cũng xin nói thêm, trước đó, tôi có làm đơn gửi Tổng Ủy Dân Vận xin cho phép tôi nhận ở Bưu điện một số sách xuất bản ở Miền Bắc mà nhờ thân hữu mua từ Paris gửi về. đơn này đã bị bác và chính ông Hoàng Đức Nhã đã phê: “ Yêu cầu cho cảnh sát theo dõi đương sự”. Việc này tôi biết được bởi có người quen làm ở “Phòng Kiểm soát ấn loát phẩm quốc ngoại” đưa cho tôi xem).

- Chính quyền muốn độc quyền, không muốn cho tư nhân đối lập với chính quyền, tự đứng ra làm công việc có thể gây thành thế.

- Chính quyền không thực lòng quan tâm đến Hoàng Sa, chỉ làm rùm beng để lợi dụng. sau năm 1975, lơ là, lo vụ Phước Long. Mãi tới khi thấy tư nhân đứng ra làm, Bộ Ngoại Giao mới lật đật công bố bạch thư hàng tháng sau.

Dù sao tất cả cũng chỉ là ước đoán.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, một số cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội từ Hà Nội vào gặp chúng tôi, cho biết đánh giá cao công trình khảo cứu về Hoàng Sa. Trong đó có một cán bộ ngành Địa lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thuật lại rằng Ông Tố Hữu, ủy viên Trung Ương Đảng lúc bấy giờ, đã đọc và đánh giá cao về số đặc khảo Hoàng Sa và Trường Sa, ngay cả bài ‘ Thư mục phân tích về Hoàng Sa’. Điều này đã khiến tôi vui mừng, ít ra, cũng được cách mạng quan tâm và nhìn nhận giá trị việc làm tâm huyết của mình. Đó chính là niềm an ủi tinh thần vô cùng quý báu cho chúng tôi đã phải vất vả làm việc, mà trước đây, chính quyền trước đã chẳng hỗ trợ mà còn tỏ ra ganh ghét, nghi ngại. dĩ nhiên, không thể tránh khỏi có người hiểu lầm về chúng tôi, chúng tôi chỉ còn biết đến sự thành tâm, “cây ngay không bao giờ sợ chết đứng” và tin tưởng vào sự sáng suốt của cách mạng.

Ngày nay, những tài liệu cống hiến trong số đặc khảo về Hoàng Sa, Trường Sa đã giúp cho chính quyền cách mạng sử dụng, thì đó là điều chúng tôi toại nguyện lắm rồi, đã làm được công việc hữu ích cho đất nước và chấp nhận mọi sự hiểu lầm thiệt thòi đến bản thân minh.

Tôi xuất thân từ một sinh viên nghèo, thích sống tự lập, đã từng phải đi bán báo (Nhật Trình) rong để kiếm sống. khi trưởng thành bắt đầu lăn lộn vào đời năm 1965, đúng vào lúc đất nước đang ở tình trạng chiến tranh đẫm máu, khốc liệt, tôi hoang mang, xót xa, băn khoăn về tình trạng trên, và lúng túng xử trí. Bất mãn với xã hội băng ngoại, thối nát và học đường lạc hậu, với sự hạn chế hoàn cảnh bản thân lúc bấy giờ, tôi đã dấn thân, hoàn toàn chủ động tự tạo cho mình một môi trường hoạt động đúng đắn, không xa đọa, bê tha như thanh niên cùng lứa tuổi, hoạt động văn hóa dân tộc thuần túy tại học đường và ngoài xã hội. Chẳng ai dẫn dắt tôi, xui khiến tôi khi còn làm sinh viên hay đi dậy học. tự mình mò mẫm tìm một con đường để phục vụ đất nước, dân tộc tôi, từ một sinh viên khi ra đời với bàn tay trắng hoạt động văn hóa đến chủ nhiệm một tạp chí, chắc hẳn có những vấp váp, nhưng đấy là cả một thành tâm, thiện chí của một con người muốn sống cho ra sống.

Đến nay dưới ánh sáng của chủa nghĩa Mác-Lênin, tôi lại còn nhận ra những vấp váp, mà trước đây, trong hoàn cảnh hạn chế, tôi không thể nhận ra.

Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về đường lối và việc làm tốt hay xấu của Tập San Sử Địa. Vì trên thực tế, dù trên bìa báo có in đông đảo những người cộng tác, ban chủ biên, ban trị sự, nhưng tất cả không ai tham gia vào việc định đường lối, chủ trương hay mọi tổ chức của Tập San. Trên thực tế, không hề có sinh hoạt, họp bàn của chủ biên hay ban trị sự. tôi làm việc bằng quan hệ thay vì tập thể có tổ chức. tôi đã đến từng người và nhờ từng người giúp đỡ cộng tác. Ai ở xa, tôi viết thư, có khi hàng chục lá, nể lời, họ viết gửi bài đăng. Ai ở gần, tôi đến họ hàng chục lần, nể tình, họ nhận lời viết bài, và cứ thế tiến hành. Về công tác quản lý, vì tình ruột thịt hay vì tình cảm bạn bè, nể nang, quý mến, một số người đã tự giúp tôi như phụ trách giữ tiền hoặc lo sửa bài, trình bày ở nhà in hay một số việc lặt vặt.

Bình sinh, tôi vốn say mê công tác sử học và nghiên cứu giáo dục, tôi cũng say mê công tác giảng dạy. Điều này, các bạn bè quen biết hay học trò của tôi có thể xác nhận. Tôi cũng có một số khả năng nhất định về nghiên cứu và giảng dạy.

Đến nay, nếu cách mạng nhận thấy việc làm của tôi trong quá khứ là đáng chê trách, đáng trừng phạt, không cho tôi tiếp tục phục vụ trong ngành nghiên cứu, giáo dục, thì tôi cũng xin cam nhận hậu quả thích đáng với trách nhiệm tôi nếu có. Nếu thấy việc làm của tôi có nhiều điều tốt, hữu ích, dĩ nhiên có sức hạn chế, thì tôi sẽ đem hết mọi sức lực, con tim và khối óc để phục vụ theo đúng đường lối cách mạng. Là người luôn cầu học, cầu tiến tiếp thu rất nhanh những cái mới, bằng chứng trong thời gian vừa qua, tôi luôn được tuyên dương cá nhân xuất sắc trong các đợt học tập chính trị và chuyên môn nghiệp vụ.

Nhìn lại quá trình hoạt động của Tập San Sử Địa, tôi chưa mãn nguyện với những thành quả, nhất là có nhiều điều hạn chế dưới quan điểm cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa, nhưng tôi rất hài lòng về tôi, đã đem hết thành tâm thiện chí, đem hết sức lực, trái tim và khối óc để làm việc, không bê tha, sa đọa, làm đúng theo lương tri, mà lúc bấy giờ tôi nghĩ là đúng. Tôi vẫn tự hào về cuộc sống trong sạch, không để ai mua chuộc trong một xã hội có nhiều cám dỗ và sa đọa.

Đến nay hoàn cảnh xã hội đã đổi khác, cho phép tôi có được những nhận thức mới, những tình cảm mới đối với cách mạng, tôi sẽ cố gắng làm đúng với lương tri và hoàn cảnh xã hội mới đang cho phép tôi ý thức và hành động.

Tôi viết bản chân tường trình này là để giúp cho cách mạng biết rõ những điều mà tôi biết thật rõ, chính xác để cách mạng nghiên cứu và xử lý đúng đối với những trường hợp tương tự, đã có tại một xã hội cũ, để tránh những sự suy diễn lệch lạc, để phân biệt kẻ ngay người chính trong đám vàng thau lẫn lộn.

Là người sẵn sàng sống cho tập thể, vì người khác, tôi cảm thấy thích hợp sống trong xã hội mới, mặc dù bản thân, tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong gia đình và ngoài xã hội, nhưng đó chỉ là những khó khăn trước mắt và nhất thời. tôi đã nuôi dưỡng một niềm tin mới, sẵn sàng bồi dưỡng và dấn thân hành động.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 3-2-1977

NGUYỄN NHÃ

(Chính vì kết luận trước và sau nguyện làm đúng theo lương tri, tôi đã bị phê phán, làm sao có thể đứng lớp được. Cuối cùng phải thừa nhận người trí thức là như thế đó)

Lắng nghe các bài hát được phổ nhạc trích từ "Trường ca Giáo dục Gia đình và Văn hóa Quốc đạo"

Tải về HN3Portal
(ứng dụng di động miễn phí dành cho Android)

Tải về ứng dụng di độngTải về ứng dụng di động

để luôn cập nhật thông tin về Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã mọi lúc mọi nơi.

Số lượng truy cập

We have 238 guests and no members online

905124
TodayToday143
YesterdayYesterday170
This WeekThis Week266
This MonthThis Month5601
All DaysAll Days905124
Highest 02-01-2024 : 4228

Free counters!