Thứ hai, 19 Tháng 1 2015 19:17
Nhớ ngày kỷ niệm một năm thất thủ Hoàng Sa: Cần giáo dục, tuyên truyền và quảng bá về Hoàng Sa-Trường Sa
User Rating: / 1
PoorBest 
Share on Facebook

Bài viết của Hãn Nguyên Nguyễn Nhã nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày tưởng niệm biến cố Hoàng Sa đầu tiên và triển lãm sử liệu Hoàng Sa (20/01/1975-20/01/2015).

trienlamhoangsa

Ngày 20 tháng 1 năm 1975 là ngày đáng nhớ của tôi, cách đây 40 năm, lần đầu tiên tôi rơi lệ vì Hoàng Sa và đã có nhiều người ôm nhau khóc ròng, các vị Quốc lão, trong đó có Nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải đốt trầm khai mạc, chiêng trống vang rền mà Báo Sóng Thần hồi ấy đưa tin với tít lớn: “Khai mạc Triển lãm Sử liệu Hoàng Sa”…, cũng là ngày giới thiệu phát hành Tập San Sử Địa số 29, Đặc khảo về Hoàng Sa & Trường Sa.

Quên làm sao được khi mà với tính cách Trưởng Ban Tổ chức gồm Ủy Ban Vận Động Xây Dựng Đền Quốc Tổ Hùng Vương (GS Ngô Gia Hy đại diện), VoViNam Việt Võ Đạo (Võ sư Trần Huy Phong đại diện) và Nhóm Chủ Trương Tập San Sử Địa (Nguyễn Nhã đại diện) hình như hồn thiêng sông núi khiến tôi đã xúc động khi giới thiệu 5 vị Quốc lão đốt trầm khai mạc.

Cứ mỗi lần nhắc đến Hoàng Sa là mỗi lần tôi rơi lệ, như lần hội thảo tại trường Đại Học Harvard ngày 16/6/2012 về Biển Đông, khi TS Minh Phương nhắc tới biến cố năm 1974 Trung Quốc dùng võ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam cũng đã làm tôi không cầm được nước mắt và cũng đã khiến nhiều bạn trẻ phải suy nghĩ, sau viết bài "Nghĩ về tôi và Tổ quốc" của Lê Minh Đức (lúc bấy giờ là sinh viên cao học chuyên ngành Quản trị thông tin tại ĐHTH Massachusetts – Lowell) đăng trên trang thông tin của Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng.

Vốn hồi ấy còn là thanh niên, ngay sau khi xúc động rơi lệ, tôi cùng võ sư Trần Huy Phong sau này là chưởng môn đời thứ ba VOVINAM, có trao đổi với nhau rằng làm cách nào mà những thanh niên như chúng ta ở hai miền Nam Bắc (bây giờ thì là thanh niên trong và ngoài nước) nhận thức rõ thân phận của một nước nhỏ như Việt Nam là nạn nhân của thời cuộc quốc tế với sự sắp xếp của các nước lớn như Vụ Hoàng Sa. Tại sao Trung Quốc lại ngang nhiên dùng vũ lục chiếm Hoàng Sa khiến bao chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong đó hạm trưởng Ngụy Văn Thà và nhiều người bị bắt trong đó có cả một người Mỹ Gerald Kosh trong phòng tùy viên quốc phòng tòa đại sứ Mỹ; sao Bộ Ngoại Giao Mỹ khi ấy lại tuyên bố đó là vấn đề nội bộ của hai nước, Mỹ không can thiệp… và sau này được biết Mỹ đã ngăn cản không cho VHCH dùng không quân vượt trội hủy diệt hạm đội Trung Quốc.

Có lẽ vì vậy mà tôi cứ nghẹn lời rơi lệ như tỏ một sự uất hận không thể nói nên lời và tôi đã từng tuyên bố tại Thư Viện San Jose năm 2012 rằng người Việt Nam phải bừng tỉnh cả thế kỷ XX, Việt Nam là nạn nhân của thời cuộc quốc tế!

Vừa rồi tôi rất lấy làm vui đầu năm 2015, Phương Nam kết hợp với NXB Hội Nhà Văn xuất bản cuốn sách: Đặc Khảo về Hoàng Sa & Trương Sa do tôi chủ biên mà một tiến sĩ trẻ PGS.TS Trần Nam Tiến viết ghi trên bìa cuốn sách: “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa là một công trình khoa học công phu và nghiêm túc, Những nghiên cứu trong cuốn sách này đã góp phần khẳng định một cách chắc chắn và không thể tranh cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa. Có lẽ, tự thân công trình ấy đã lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới học thuật về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như một điều hiển nhiên ngay từ khi nó ra đời cho đến ngày nay”.

Cuốn sách này hiện được bày bán trong hệ thống phát hành của nhà sách Phương Nam mới in có 1000 cuốn. Trong khi tôi đi nhiều nước thấy các thư viện vắng bóng các tài liệu của Việt Nam, tràn ngập các tư liệu của Trung Quốc; trong khi Trung Quốc có hơn 400 luận văn, luận án về Biển Đông còn Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ngay cả những hồ sơ tư liệu của tôi về Chủ quyền của Việt Nam dối với hai quần đảo Hoàng Sa tuy đã được dịch ra Tiếng Anh song văn phong vẫn chưa phù hợp với người bản xứ , nên tôi vẫn chưa gíám phổ biến rộng rãi mà chỉ mới đang để trên trang mạng www.hannguyennguyennha.com để kêu gọi nhiều người cùng nhau hoàn chỉnh và quảng bá.

Tôi kêu gọi có sự hỗ trợ cùng nhau dịch cuốn sách “Đặc khảo về Hoàng Sa & Trường Sa” ra nhiều thư tiếng nhất là Tiếng Anh, Tiếng Trung. Hiện nay một nhóm giáo sư, tiến sĩ ở Canada và Úc đang cùng nhau dịch sang tiếng Anh cuốn “Những bằng Chứng Chủ Quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của NXB Giáo dục Việt Nam.

Với sự dịch hai cuốn sách trên cùng với Hồ sơ tư liệu hơn 500 trang bằng tiếng Anh trong dó có toàn văn luận án của tôi nếu được dịch ra các thứ tiếng trước tiên là Tiếng Anh phủ khắp các thư viện các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, tôi tin chắc sẽ là sức mạnh, sức mạnh của sự thật lịch sử, của lẽ phải phù hợp với pháp lý quốc tế hiện hành, không chóng thì chấy Hoàng Sa sẽ trở về với Việt Nam.

Và cũng mong một tác phẩm “Trường ca Biển Đông & Giữ hồn Dân tộc” gồm 2000 câu lục bát thi hóa cuốn sách “Những Bằng Chứng Chủ Quyền của Việt Nam dối với hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa” cùng những bài viết trong mục “Giữ hồn Dân Tộc của Báo Thanh Niên”, sẽ được nhiều người hỗ trợ xuất bản để giới trẻ Việt Nam tiếp cận với sự thật và tinh thần giữ bản sắc vì mất bản sắc sẽ mất tất cả.

Khi ấy tôi, một người sống vì sự thật lịch sử với lương tri của mình cho là đúng, sẽ không còn khóc nữa hay vì nước mắt tôi đã cạn!

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã