Thứ tư, 16 Tháng 4 2014 02:56
Phỏng vấn dạy và học môn Văn hóa Ẩm thực Việt Nam với sinh viên khóa 2010-2014
User Rating: / 1
PoorBest 
Share on Facebook

Nội dung phỏng vấn dạy và học môn Văn hóa Ẩm thực Việt Nam với sinh viên khoa Văn hóa học khóa 4 (2010-2014).

BÀI PHỎNG VẤN TRONG BUỔI GIAO LƯU KẾT THÚC MÔN HỌC VĂN HÓA  ẨM THỰC VIỆT  NAM  NGÀY 16/04/2014

(theo ghi chép của phỏng vấn viên Đào Hồng Nhung)

Ký hiệu viết tắt

- Phỏng vấn viên: PVV

- Sinh viên: SV

- Tiến sĩ Nguyễn Nhã: TS

PVV: Xin chào các bạn, lời đầu tiên mình xin cảm ơn các bạn đã có mặt trong buổi giao lưu ngày hôm nay. Để bắt đầu cho buổi giao lưu hôm nay, mình đề nghị chúng ta cùng hát bài “Bụi Phấn” dành tặng cho thầy Nhã được không ạ?

PVV: Sau đây mình có một vài câu hỏi giao lưu dành cho các bạn. Đầu tiên, mình tò mò không biết rằng sau khóa học của thầy bạn cảm thấy rằng bản thân mình đã nhận được những giá trị nào?

SV: Sau khi kết thúc khóa học, mình đã thực sự hiểu và yêu hơn các món ăn Việt. Thầy luôn dạy chúng mình rằng món Việt là phải thuần Việt, ngon – lành – sạch. Lồng ghép tình yêu nước, yêu dân tộc qua sự tìm tòi, nghiên cứu về những tinh hoa của ẩm thực Việt, tự hào đem những món ăn Việt vươn xa ra Thế Giới. Ngoài ra, qua phương pháp dạy của thầy chúng mình còn được trang bị nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, phản biện, kỹ năng báo cáo, tổng kết kiến thức qua mỗi buổi học. Ngoài những kiến thức lý thuyết, chúng mình còn có rất nhiều cơ hội thực hành, trải nghiệm việc nấu và thưởng thức các món ăn.

PVV: Những giá trị mà thầy Nhã luôn nhấn mạnh trong phương pháp giảng dạy của mình là kỹ năng sống, kỹ năng yêu nước và tư duy sáng tạo thì không biết là các bạn đã tiếp thu được đến đâu và nó có giúp các bạn định hướng tương lai của như thế nào?

SV: Đây là những kỹ năng chúng mình xem như hành trang không thể thiếu trong công việc cũng như trong cuộc sống. Trong quá trình giảng dạy, thầy đã tạo cho sinh viên nhiều điều kiện, cơ hội để thể hiện tư duy sáng tạo, chẳng hạn như khuyến khích sinh viên viết bài về các món ăn để gửi lên cổng thông tin hannguyennguyennha.com thầy vừa mới ra mắt. Thầy không những dạy về văn hóa ẩm thực mà còn truyền đạt kiến thức về kỹ năng sống và yêu nước, bản thân mình đã tiếp thu và tích lũy được khá nhiều những điều mà trước nay mình chưa từng biết và cảm thấy rất hứng thú với nó. Rõ ràng là những kỹ năng đó đã giúp mình định hướng được mình mong muốn trở thành một con người như thế nào trong tương lai. Mình yêu thích ẩm thực và mình muốn được thể hiện tình yêu dân tộc bằng việc mở một nhà hàng các món ăn thuần Việt với không gian Việt đúng chuẩn, thu hút nhiều khách trong và ngoài nước, mình muốn thông qua con đường này để đưa bếp Việt ra Thế Giới.

TS: Thầy luôn mong muốn sinh viên tự tìm tòi, nghiên cứu để mở rộng vốn kiến thức, nâng cao kỹ năng tự học vì trên lớp thầy cô không đủ thời gian để có thể truyền đạt hết tất cả kiến thức cho các bạn, tự học cũng giúp phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng sống của các em. Thầy rất hoan nghênh việc các em thể hiện tâm huyết với ẩm thực qua những bài viết của mình, thầy mong rằng trong tương lai cổng thông tin hannguyennguyennha.com sẽ nhận được thật nhiều những bài viết hay từ sinh viên của thầy. Trong cuốn sách "Phở Việt" thầy vừa mới phát hành, một sinh viên của thầy đã có một bài viết về cách làm bánh phở được đăng trong cuốn sách này, thầy mong muốn đây sẽ trở thành một món quà tinh thần để khuyến khích sinh viên của thầy đóng góp nhiều hơn nữa cho nền ẩm thực nước nhà. Trong tương lai thầy sẽ viết tiếp những cuốn sách về Chả Việt, Độc đáo ẩm thực miền Tây, Độc đáo ẩm thực dân tộc ít người….Thầy đang mong đợi sẽ có những bài viết của sinh viên được thầy lựa chọn đăng vào những cuốn sách đấy nhé!

PVV: Theo như mình được biết thì trên lớp, thầy Nhã có giao cho các bạn rất nhiều bài tập, không biết điều này đã bao giờ làm các bạn cảm thấy ngán hay nản chưa? Và so với các môn khác các bạn có cảm thấy nặng nề khi học môn của thầy không?

SV: Thực sự thì cũng có không ít khi chúng mình cảm thấy hơi ngán, nhưng đó chỉ là những lúc áp lực bài tập của các môn khác quá nhiều vì ngoài môn của thầy chúng mình còn phải học rất nhiều môn khác nữa. Và với sự nhiệt huyết của thầy trong giảng dạy, chúng mình sẽ cảm thấy rất áy náy nếu như không hoàn thành tốt các bài tập hay là hoàn thành cách sơ sài, điều đó làm chúng mình càng cảm thấy căng thẳng hơn. Nhưng bù lại những khi có nhiều thời gian, chúng mình cảm thấy rất hứng thú và thậm chí nó là một trong những môn học chúng mình đầu tư nghiên cứu nhiều nhất. So với các môn khác, tuy là có nhiều bài tập hơn thật nhưng phương pháp dạy của thầy làm chúng mình cảm thấy mới lạ và bị cuốn hút nhiều hơn nên cũng không thể nói là nặng nề hơn các môn khác.

TS: Ngay từ buổi học đầu tiên, thầy đã cố gắng thu hút sự hứng thú của các em để các em có một mở đầu tốt với môn học và trong quá trình giảng dạy cũng vậy, thầy không chú trọng quá nhiều về phần lý thuyết mà thầy luôn dành thời gian để các bạn thuyết trình và thực hành nấu các món ăn, đem lên lớp cho thầy và các bạn thưởng thức. Học ẩm thực mà không được ăn thử thì quả là phí. Khi các bạn được trải nghiệm thực sự, các bạn sẽ cảm thấy mình với môn học gần nhau hơn, cảm thấy môn học thật hơn.

PVV: Bạn có nhận xét gì về phương pháp dạy của thầy Nhã? Bạn có thích không? Tại sao?

SV: Đầu tiên là mình cảm thấy phương pháp dạy của thầy lạ và mới mẻ, chúng mình được thuyết trình và phản biện nhằm hiểu sâu hơn, rộng hơn về bài học. Cuối buổi thầy sẽ chốt lại những kiến thức trọng tâm, nhắc lại những cái chúng mình nói sai, chỉnh sửa lại cho đúng. Mình cảm thấy cách học này làm chúng mình tiếp thu và hệ thống kiến thức được dễ dàng hơn, đồng thơi cũng làm cho không khí lớp học sôi nổi hơn và làm cho tâm lý của sinh viên chúng mình hào hứng hơn, thích thú hơn.

PVV: Em có một vài câu hỏi dành cho thầy. Chắc không chỉ riêng em mà các bạn ở đây cũng thắc mắc là không biết tại sao thầy lại chọn phương pháp giảng dạy này mà không phải là một phương pháp khác?

TS: Thầy đã có một quá trình nghiên cứu về phương pháp giảng dạy. Thực ra phương pháp này đã được các nước khác ứng dụng từ lâu nhưng bây giờ chúng ta mới tiếp cận. Thầy thích sinh viên chủ động nhiều hơn là việc ngồi một chỗ chờ giảng viên đem kiến thức đến cho mình và tiếp thu cách thụ động, kém hiệu quả. Các bạn trẻ, cần sự năng động và được phát huy tư duy sáng tạo. Có thể các bạn tìm được các thông tin sai lệch và hiểu sai nhưng sau đó thầy chỉnh sửa lại, chỉ cho các bạn những kiến thức đúng, học từ cái sai của chính mình thì các bạn sẽ hiểu sâu hơn, nhớ lâu hơn. Có như vậy các bạn mới rèn luyện được tư duy sáng tạo, từng bước chủ động hoạch định được tương lai của mình.

PVV: Theo em được biết, thầy có một tâm nguyện rất lớn trong tương lai cho nền giáo dục nước nhà, đó là xây dựng chân dung người thầy thế kỷ XX, thầy có thể chia sẻ cho chúng em biết về tâm nguyện này được không ạ?

TS: Hiện tại thì thầy đã chia sẻ một bức thư của mình gửi cho bác Hoàng Xuân Hãn, nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945 nằm trong loạt bài “Những bức thư xây dựng chân dung người thầy thế kỷ XX” trên cổng thông tin học thuật hannguyennguyennha.com. Sắp tới, thầy sẽ viết những bức thư gửi cho các thế hệ sinh viên của thầy và chia sẻ trên cổng thông tin, thầy mong các em cũng như các sinh viên của thầy có thể chia sẻ lên đó những mong muốn của các em về hình ảnh người thầy trong tương lai mà các em mong đợi. Hy vọng chúng ta có thể chung tay để đóng góp cho công tác dạy và học ngày càng tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn.