Thứ sáu, 26 Tháng 9 2014 17:38
Thư gửi GS.TS. Trần Văn Khê
User Rating: / 0
PoorBest 
Share on Facebook

Bức thư thứ năm của Nguyễn Nhã trong loạt bài "Những bức thư xây dựng chân dung người thầy giáo Việt Nam thế kỷ XX", sẽ được thi hóa đem vào “Trường ca chân dung người thầy thế kỷ XX”.

thuguigiaosutranvankhe

 

Thầy Hoàng Xuân Hãn đã đào tạo nhiều thế hệ học trò nổi danh, ở Miền Bắc như GS. Hoàng Như Mai, ở Miền Nam như GS.TS. Nguyễn Chung Tú, ở Pháp phải kể đến GS.TS. Trần Văn Khê.

Trường hợp với Bác Khê thì rất đặc biệt, chắc không ai có dịp gần gũi với Thầy Hãn với thời gian dài như Bác và đã coi như thầy của mình.

Tôi còn nhớ khi Thầy Hãn viết thư cho tôi khi tôi là chủ biên Tập San Sử Địa, đã giới thiệu Bác và Bác cũng từng gửi thư từ Paris cho tôi.

Chính vì thế hồi tháng 8/1974 Bác từ Úc trở về Việt Nam, nói chuyện về âm nhạc cổ truyền ở nhiều nơi tại Sài Gòn, tôi đã đến dự và đã viết bài “Những buổi diễn thuyết về âm nhạc cổ truyền Việt Nam của Giáo sư Trần Văn Khê" lấy bút danh là Hoàng Việt Tử, đăng trong Tập San Sử Địa số 28.

Cũng chính vì được biết sự uyên bác và tài diễn thuyết hay như thế, nên vào năm 1993, khi chuẩn bị thành lập trường Đại học Hùng Vương với mục tiêu góp phần xây dựng đại học vừa mang tính Việt Nam, vừa mang tính hiện đại, và thành lập Trung tâm Nghiên cứu Văn Hóa Việt Nam, tôi đã phỏng vấn nhiều người như GS. Nguyễn Đăng Thục về “Tư tưởng Việt Nam” khẳng định truyền thống không duy của Việt Nam trong đó có tam giáo đồng nguyên và Bác Khê về “Những độc đáo của âm nhạc truyền thống Việt Nam”.

Không ngờ đây là lần đầu tiên, Bác nói bị rút ruột nói ra hết và cuốn băng phỏng vấn được Bác gửi cho nhiều người trong đó có ông Nguyễn Tấn Đời ở Canada đã rất thích thú và sang ra hàng chục cuốn gửi tới các bạn bè. Cũng vì thế mà sau năm 1997 tổ chức hội nghị Khoa học “Bản sắc Việt Nam trong ăn uống” tại Khách sạn Majestic, năm 1998 tôi đứng ra tổ chức hội thảo khoa học “Bản sắc Việt Nam trong Âm nhạc” cũng tại Khách sạn Majestic, mời Bác từ Paris về dự. Tại hội thảo này, Bác Ngô Gia Hy, hiệu trưởng trường Đại học Hùng Vương đã phát biểu rằng “quyết tâm đem dân ca vào trường Đại học Hùng Vương” và năm sau đã mời Bác về dạy âm nhạc truyền thống ở Khoa Du lịch mà Bác nói rằng đây là “lần đầu tiên bác dạy âm nhạc dân tộc cho sinh viên Việt Nam, bằng tiếng Việt Nam tại đất nước Việt Nam” sau mấy chục năm bôn ba nước ngoài, "chỉ dạy cho sinh viên nươc ngoài mà thôi!" Và cũng năm 2000, trường Đại học Hùng Vương đã quyết định thành lập CLB Ca trù Đại học Hùng Vương, sinh hoạt tại ngay nhà riêng của tôi, sau này đổi thành CLB Ca trù & Hát thơ Lạc Việt.

Phải nói ngay, tôi đã nhận ra Bác là người đầu tiên với kiến thức uyên bác, dùng phương pháp đối chiếu, so sánh, nghiên cứu, tìm ra những độc đáo của văn hóa Việt Nam, âm nhạc truyền thống Việt Nam mà người ta thường coi thường do người mình có thói quen nghĩ ”Bụt nhà không thiêng”, “Nôm na là cha mách qué”!

Phải thú thực, Tôi đã học hỏi ở Bác về phương pháp nghiên cứu đối chiếu, so sánh này khi nghiên cứu về văn hóa ẩm thực, văn hóa thi ca, văn hóa tín ngưỡng thờ Quốc tổ, anh hùng dân tộc, tổ tiên của Việt Nam để tìm ra những nét độc đáo đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.

Ngay năm 1992, khi tôi làm phim Thăng Long Hà Nội xưa, tôi thấy ngay từ thời Lý đã có đền Vệ Quốc, thờ người có công bảo vệ đất nước thì các thế hệ sau này mới có biết bao anh hùng dân tộc mà không dễ nước nào cũng có nhiều đến thế và thờ thần Trống đồng mới thấy Việt Nam có nền văn hóa trống đồng rực sáng đến thế so với các nước khác. Cũng như với đền Hai Bà Trưng, bà Triệu cùng các nữ tướng được thờ rất nhiều, trong khi khó có nước nào có được như thế khiến tôi thấy nhiều cái nhất thế giới của người phụ nữ Việt Nam, rất đáng tự hào…

Khi tôi tổ chức Bác nói chuyện tại làng Du lịch Bình Quới, ngay tại trên khấu có người hỏi về “Chương trình Hát thơ” của tôi đang khởi xướng, Bác đã trả lời rằng “Hát thơ là một sáng tạo tuyệt vời nếu được quần chúng hưởng ứng”. Hồi ấy báo chí trong đó có báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ có đưa tin. Hãng phim Truyền hình Thành phố có làm phim “Hát thơ thời mới”. Tôi đã khởi xướng “Chương trình đem hát thơ vào trường học”, tức là thơ các em học sinh đang học được hát với các làn điệu dân ca, ca cổ ba miền, minh họa những vần thơ đang được học, nhất là khi chưa cải cách, các lớp đều học rất nhiều thơ lục bát dễ hát dân ca. Đã có một đề tài nghiên cứu tại Sở Khoa học & Công nghệ Tp.HCM “Hát thơ tại trường học” mà tôi làm cố vấn, song vì thay đổi chủ nhiệm, tôi lại thôi. Tôi đã từng tổ chức hàng chục buổi “Hát thơ Kiều” và Phương Nam Phim đã phát hành dĩa gồm 2 CD Hát thơ Kiều với hơn 30 làn điệu dân ca ba miền. Rồi tiếp nhiều buổi hát thơ “Lục Vân Tiên", “Chinh Phụ Ngâm”... Hiện nay cũng có nhóm hát thơ giao lưu văn hóa ASEAN. Đặc biệt với tính cách Chủ nhiệm CLB Âm nhạc Dân tộc Hương Sắc Ba Miền của Trung tâm Văn hóa Tp.HCM, tôi và NSƯT Hồng Vân đã đến các trường trong đó trường Đức Trí dạy hát dân ca và đã làm nhiều băng đĩa học hát dân ca, hát thơ trong đó co đĩa học hát dân ca ba miền “Việc nhỏ chuyện lớn” với nội dung “Nhặt rác cho người mới quăng”, “xếp hàng nơi công cộng” hay thuyết phục người lớn giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là từ bỏ việc “bán những gì không ăn, ăn những gì không bán” để quảng bá văn minh, văn hóa đô thị tại Việt Nam, để cứu người mình khỏi ăn đồ ăn độc hại…

Khi tôi tổ chức hội thảo khao học ”Ẩm thực trị liệu” và “Tiệc cưới, tiệc đãi quốc khách Việt Nam” tại Khách sạn Kỳ Hòa năm 1999, Bác tham dự và từ đây Bác nói nhiều về ẩm thực Việt Nam mà nhiều người rất lấy làm thích thú khi so sánh với ẩm thực của các nước khác.

Cò thể Bác và tôi có duyên với nhau về văn hóa Việt Nam, nên khi VTV9 làm phim về tôi “Một đời gìn giữ hồn Việt”, phỏng vấn Bác, đã phát biểu:

“… đặc biệt về ẩm thực là một trong những chuyên gia mà từ lý thuyết cũng như thực hành mà tôi tâm đắc về mọi mặt. Kể ra tôi về đây chưa thấy có người thứ hai tâm đắc như thế!.. “

Có thể chính vì Bác quá thương nên quá khen như thế! Song có thể Bác và tôi giống nhau ở điểm chính là người thầy từ thế kỷ XX, đã cố hết sức mình truyền lửa cho giới trẻ thế kỷ XXI để trong tương lai giới trẻ phải rất tự hào về lịch sử, văn hóa Việt Nam, mà cố sức đóng góp xây dựng đất nước hùng cường, không còn bị xử ép, làm nhục như hiện nay ở Biển Đông nữa!

Vừa qua “Nhóm Xuất bản sách Thái Hà” ấn hành cuốn sách “Tôi tự hào là người Việt Nam”, tôi đã viết bài “Tôi tự hào về lịch sử văn hóa Việt Nam” và tôi có hứa sẽ viết bài “Những gì xấu xí của người Việt” và tự hứa viết cuốn sách “Người Việt xấu xí” để người Việt mình bừng tỉnh, tích cực yêu nước trong xây dựng!

Tôi hiện cũng đang tập trung viết tác phẩm “Khoa cử Nho học dưới thời Pháp thuộc” để “ôn cố tri tân”, tìm xem những bài học lịch sử nào về giáo dục của người xưa nhất là giáo dục làm người ra sao, thấy được chân dung người thầy Nho học đã ảnh hưởng tới chân dung người thầy thế kỷ XX thế nào.

Cũng vừa qua nhân ngày Giỗ ĐứcThánh Trần, 20 tháng 8 ÂL, tôi có phổ biến bài viết "Trần Hưng Đạo - vị tướng soái ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông được tôn thờ như vị thánh" và Kinh chúc Phúc (1 trong 12 hiền kinh Quốc đạo) và yêu cầu bài viết này có nhiều thông điệp về những bài học lịch sử cho người Việt Nam cũng như với người Trung Quốc. Những bài học lịch sử ấy rất cần được bàn bạc, trao đổi để mọi người kể cả giới lãnh đạo chính trị cũng như người Việt trong và ngoài nước thấm thía và có hành động đúng trước tình hình có quá nhiều nguy cơ như hiện nay. Tôi đề nghị trong mục Đối thoại nên nêu vấn đề này nhân Ngày Giỗ Đức Thánh Trần. Theo tôi, những vấn đề sau đây ta nên bàn bạc:

1/ Chúng ta, người Việt Nam ở trong và ngoài nước kể cả lãnh đạo chính trị, nên tìm hiểu Trần Hưng Đạo đã để lại những bài học lịch sử quý giá nào? Bài học nào là quý giá nhất đối với từng đối tượng.

2/ Với từng bài học quý giá ấy cho từng đối tượng, liệu từng đối tượng có thể làm những gì cụ thể để cho tình hình ở Việt Nam cũng như ở Biển Đông tốt đẹp hơn cho mọi phía. Theo tôi biết lịch sử để hiểu hiện tại và dự báo tương lai.

Tôi xin kính tặng Bác “Mười hai bài Hát nói Quốc đạo” do Tôi viết đã được Nhóm Ca trù Thái Hà hát cùng hơn 10 bài viết trong mục “Giữ hồn Dân tộc” của Báo Thanh Niên từ ngày 1 tháng 1 năm 2013 và 10 bài “Hát thơ Quốc đạo”, 12 hiền kinh Quốc đạo (Thập nhị hiền kinh) do tôi và nhà thơ Mai Trinh sáng tác đã được Nhóm NSUT Thanh Ngoan hát với các làn điệu dân ca.

Thư bất tận ngôn, mong được Bác chia sẻ.

Thân kính,

Nguyễn Nhã