Thứ hai, 21 Tháng 4 2014 10:35
Thư gửi các học trò
User Rating: / 5
PoorBest 
Share on Facebook

Bức thư thứ ba Nguyễn Nhã gửi cho các học trò trong trong loạt bài "Những bức thư xây dựng chân dung người thầy giáo Việt Nam thế kỷ XX".

 

Ngày 10 tháng 6 năm 1985

Các em thương mến,

Nhân dịp kỷ niệm ngày 20 năm ngày Thầy chính thức đi dạy học (10/08/1965), Thầy muốn kiểm điểm lại “cuộc đời thầy học” trong 20 năm qua”, xem những gì đã làm được, những gì chưa làm được để rút kinh nghiệm.

Thầy có dự tính xây dựng một tác phẩm “Tâm sự người thầy giáo Việt Nam cuối thế kỷ XX”, trong đó bao gồm những bức thư dài của Thầy, của các đồng nghiệp và của các em, hồi tưởng lại thời gian Thầy dẫn dắt các em. Những bức thư ấy chứa đựng những tâm tư, tình cảm thầy trò chúng ta ở từng lớp, từng trường, từng giai đoạn, miêu tả cặn kẽ những gì xảy ra ở nhà trường, xã hội 20 năm qua hơn nữa trở ngược về đầu thế kỷ này, làm sao có thể trở thành “hội chứng giáo dục Việt Nam hậu bán thế kỷ XX”. Mỗi bức thư dài trao đổi với nhau được coi như một mục của tác phẩm chung này của thầy trò chúng ta. Mỗi bức thư được đề cập đến một chuyên đề. Thư này, Thầy đề cập đến vấn đề: “Thử phác họa chân dung người thầy giáo Việt Nam”.

Các em thương mến, tinh thần “ta về ta tắm ao ta”, là triết lý bình dân của người Việt Nam. Chính triết lý ấy đã là thành lũy khiến người dân quê nước ta bảo vệ dân tộc ta không bị diệt vong. Song về mặt tư tưởng văn hóa, tư tưởng “bụt nhà không thiêng” đã ảnh hưởng nặng nề đến sự lệ thuộc vào văn hóa tư tưởng ngoại lai. Chính vì thế, chúng ta chưa thực sự độc lập tự chủ về mặt văn hóa tư tưởng dù đã có hàng ngàn năm độc lập tự chủ về chính trị kinh tế, thầy rất ước mong một kỷ nguyên thực sự độc lập tự chủ về tư tưởng văn hóa sẽ ra đời ở đất nước ta. Do đấy, trong 20 năm qua, thầy luôn cổ vũ cho tinh thần độc lập tự chủ ấy, thầy nghĩ rằng người thầy giáo Việt Nam phải có tinh thần ấy, đi tiên phong xây dựng kỷ nguyên độc lập tự chủ ấy.

Trong suốt hàng ngàn năm tự chủ phong kiến, không phải tiền nhân ta không có tinh thần độc lập tự chủ về tư tưởng văn hóa, song vì ách nô lệ văn hóa tư tưởng ngoại lai quá nặng nề từ hàng ngàn năm trước, tiền nhân ta gặp quá nhiều khó khăn. Vì thế cho nên, giành được độc lập chủ quyền rồi mà Nguyễn Trãi vẫn phải viết bản tuyên ngôn độc lập “Bình Ngô Đại Cáo” bằng chữ Hán. Tài năng văn chương đã tuyệt vời rồi mà Nguyễn Du đành phải sử dụng chuyện tích Tàu gần như ở mỗi câu thơ.

Trải qua hàng trăm năm nay, ách nô lệ cũ từ ngàn năm đến nay cơ hồ bị đánh bật từ gốc rễ, để thầy trò chúng ta hầu như được nhẹ ách. Đó cũng là điều thuận lợi mà hàng ngàn năm trước tiền nhân chúng ta chưa hề được hưởng như vậy. Nếu như chúng ta ngày nay không quyết tâm định hình bản sắc Việt Nam nói chung, định hình sắc thái người thầy giáo Việt Nam nói riêng, thì chúng ta thật mang tội với lịch sử dân tộc.

Mỗi thời kỳ nô lệ chấm dứt, mỗi khi cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc thành công, nền văn hóa dân tộc chúng ta cứ từng bước trưởng thành, phát triển. Thời Lý Trần rực rỡ hơn thời Ngô, Đinh Lê sau khi kháng chiến chống quân Tống, Nguyên Mông thành công. Thời Lê, văn hóa dân tộc cũng phát triển hơn sau khi kháng Minh thắng lợi. Đánh quân Thanh rồi, thời Tây Sơn cũng thê, và đến nay, một kỷ nguyên Việt Nam độc lập tự chủ về văn hóa tư tưởng nhất định phải được xuất hiện, chân dung nhà giáo Việt Nam nhất định phải được rõ nét. Đó là nguyện ước chân thành, là tâm tình của thầy trong 20 năm qua.

Song định hình bản sắc dân tộc cũng như xây dựng độc lập tự chủ về văn hóa tư tưởng, không có nghĩa là từ chối tiếp thu tinh hoa văn hóa tư tưởng nước ngoài, không thể là thái độ dân tộc hẹp hòi mà chỉ là thái độ tự tin dân tộc, thúc đẩy tinh thần sáng tạo, phải góp phần vào gia tài văn hóa tư tưởng chung của nhân loại, chứ không chỉ biết thụ hưởng vay mượn, nghĩ nhờ thở mượn. Sáng tạo về mặt tư tưởng văn hóa là điều chúng ta còn yếu, một phần do di sản của thời nô lệ ngàn năm mà chủ yếu là do tinh thần, giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề hệ tư tưởng phong kiến kìm hãm, trọng cổ khinh kim, trọng giáo điều, trọng khoa cử… Cổ vũ sự phát triển khả năng sáng tạo của người Việt là việc làm có tính cách chiến lược trong công tác giáo dục. Sáng tạo trong tư tưởng, suy nghĩ, sáng tạo trong hành động, việc làm là nỗ lực hàng đầu của thầy trò chúng ta hiện nay. Có như vậy, chúng ta không có hô hào suông về tinh thần độc lập tự chủ thực sự về mặt văn hóa tư tưởng. Như vậy, có sáng tạo mới mong có độc lập tự chủ thực sự về mặt văn hóa tư tưởng. Song tinh thần sáng tạo không phải tự nhiên mà có, nói là thấy, muốn là được ngay, mà phải có biện pháp giáo dục cụ thể và cơ cấu tổ chức giáo dục cũng như xã hội phải tạo điều kiện thuận lợi. Trong một bức thư khác, thầy sẽ đề cập riêng đến tinh thần này.

Ước muốn định hình bản sắc dân tộc về văn hóa tư tưởng nói chung và về chân dung người thầy giáo Việt Nam nói riêng như thế hẳn là chính đáng, mà hẳn là đáng làm. Song làm thế nào để biến ước mơ thành hiện thực bây giờ?

Các em thương mến, trong 20 năm qua, thầy đi tìm chân dung nhà giáo Việt Nam không những bằng cách lao vào công tác nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc mà còn bằng thử nghiệm, thực hành của chính con người thầy giáo bản thân mình. Thời gian bắt đầu nghề dạy học cũng chính là thời gian bắt đầu làm chủ nhiệm Tập san Sử Địa, một tạp chí nghiên cứu lịch sử do một nhóm giáo sư, sinh viên đại học Sư phạm Sài Gòn chủ trương, và sau đó cũng chính thầy đứng ra thành lập “Nhóm nghiên cứu và phát huy truyền thống dân tộc Việt Nam” năm 1974. Sự kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu và thực hành, giữa văn hóa và giáo dục thực sự đem lại nhiều thuận lợi cho việc đi tìm chân dung người thầy giáo Việt Nam. Trong gần 10 năm công tác tại trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức, một trường trung học thực nghiệm thuộc Đại học Sư phạm Sài Gòn, với tính cách trưởng ban nghiên cứu, thầy cố gắng thể hiện chiều hướng “sẵn sàng thâu thập cái hay của các trào lưu giáo dục trên thế giới đồng thời cố gắng tự tạo một bản sắc riêng biệt cho Việt Nam”. Thầy luôn chống lại tinh thần tự ti, sợ phục quá đáng vào người cũng như chống lại tinh thần tự tôn tự đại, khoa trương, vơ vào quá đáng mà không có thực chất, thầy cũng không chịu kiểu làm dáng tri thức, dấu ấn của thời nô lệ, thầy chỉ mong muốn xây dựng cho mình lòng tự tin dân tộc, tin vào sức mình, tin vào tư tưởng, hành động của mình và của dân tộc mình.

Ngược dòng lịch sử, trong thời Nho học còn ngự trị, ta thấy không thiếu gì những ông thầy khả kính. Chu Văn An là người thầy giáo Việt Nam nổi tiếng vì lòng trung trực, dâng sớ lên vua Trần xin chém bảy gian thần (thất trảm sớ). Người cũng đã trọng thực hành “lấy điều minh đạo hóa dân làm gốc”, soạn giáo trình Tứ thứ Thuyết Ước không theo khuôn sáo của Khổng Mạnh hay các danh nho đời Tống mà theo tinh thần Chu Công Đán nhà Chu. Người thầy này đã ảnh hưởng đến môn sinh Trần Phủ, sau này là vua Trần Nghệ Tông, từng có tinh thần cho rằng pháp độ triều Trần không theo của nhà Tống, tự chủ thì không nên phỏng chép của nhau. Nguyễn Trãi là đại anh hùng dân tộc, tuy ông giành phần lớn thời gian trong cuộc đời ông tham gia kháng chiến và tham chính, song tư tưởng “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo” của ông đã khiến ông mãi mãi là bậc khả kính của chúng ta. Nguyễn Bỉnh Khiêm là ông thầy của cả một thời đại, được tôn là Tuyết Giang phu tử, cũng từng dâng sớ lên vua chúa xin chém 18 kẻ lộng thần, không được bèn từ quan về dạy học, không chịu tham dự vào những hành vi tội lỗi của kẻ đương quyền, luôn tỏ tấm lòng “ưu quốc ái dân”, dạy học trò mình phải “phò nghiêng đổ lệch”, “xoay lại càn khôn buổi thái hòa”. Thầy giáo Hiến là người thầy đã hướng dẫn, hun đúc chí anh hùng của Nguyễn Huệ và La Sơn Phu Tử cũng là bậc thầy đức hạnh cao trọng được vua Quang Trung tôn là bậc thầy của mình.

Sang thời kỳ Pháp xâm lược đất nước ta vào cuối thế kỷ XIX, không thiếu gì những bậc thầy khả kính, giàu lòng yêu nước. Nguyễn Đình Chiểu là người thầy đầy khí tiết, để lại một tấm gương sáng về lòng yêu nước, dùng thơ văn yêu nước chống lại quân thù cướp nước. Phạm Văn Nghị cũng thế, người thầy đã đào tạo biết bao học trò tài ba, từ quan về dạy học, gặp khi quốc biến, giặc Pháp xâm lược, dù chẳng được trao quyền chức gì, cả cha con cùng học trò, bè bạn đã xả thân vì nghĩa lớn, tập hợp lực lượng kéo đi đánh giặc. Phạm Thận Duật cũng là người thầy đã đào tạo được biết bao học trò tài năng khí tiết như Nguyễn Cao, Nguyễn Thượng Hiền, đến khi làm quan thượng thư trong triều vẫn sống đức hạnh thanh bạch, để lại tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, khi ông nhận mệnh vua Hàm Nghi làm khâm sai ra Bắc Kỳ tổ chức phong trào Cần Vương, chẳng may bị giặc Pháp bắt, ông chẳng lo cho bản thân, gia đình mình mà chỉ lo không làm tròn sứ mệnh, dặn dò người con đến thăm nuôi mình rằng: “Sứ mệnh chưa xong, tội có ta đấy, ta đến tù mất! Biên lấy số tiền gạo tính từ ngày 25 tháng 5 ở Quảng Trị và sơn phòng cộng lấy tiền Đông Dương lục 30 quan, gạo 10 phương về bảo mẹ mày trả lại đi, đừng để cho ta phải lụy”.

Rồi còn biết bao nhiêu các bậc thầy nổi danh hoặc vô danh khác nữa, song phần lớn các bậc thầy nho học ấy chỉ để lại cho ta những tấm gương sáng về phẩm cách con người, có khí tiết, đức hạnh, giàu lòng yêu nước, còn hầu như các thầy ấy dùng chữ Tàu truyền đạt những tư tưởng Tàu là chủ yếu, rất ít có tư tưởng riêng của các thầy, tư tưởng riêng của người Việt mình. Hậu quả tất yếu là toàn bộ cơ chế chính trị xã hội, kinh tế của nước ta đều phỏng theo của Tàu. Khi cơ chế chính trị xã hội kinh tế không còn thích hợp với thời thế mới thì tự ta không tìm cách phá vỡ, thoát ra mà phải đợi đến khi các thầy Tàu như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu đập phá tư tưởng văn hóa, cơ chế cổ hủ cũ thì ta mới theo đó mà chuyển, vận động duy tân, theo khuôn khổ phương Tây.

Và từ đó, sang đầu thế kỷ XX, chúng ta thấy xuất hiện những bậc thầy khả kính, giàu lòng yêu nước điển hình như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can… để lại cho ta những gương sáng ngời về tinh thần ái quốc, chế tự cường dân tộc. Song các bậc thầy ấy cũng như biết bao thầy giáo khả kính khác chưa kịp sáng tạo tư tưởng riêng của mình mà chỉ theo “tư tưởng văn hóa Thái Tây” mà vận động duy tân, đổi mới.

Không phải các bậc thầy chúng ta khi xưa không có khả năng sáng tạo, không phải dân tộc ta thiếu khả năng sáng tạo, không phải dân tộc ta thiếu tinh thần độc lập tự chủ, song rõ ràng có cái gì vướng mắc, lấn cấn đã làm hạn chế, không rõ nét những sáng tạo độc đáo của người mình, hoặc làm mai một những tài năng, hoặc làm mờ nhạt những công trình sáng tạo độc đáo. Rõ ràng chừng nào chúng ta chỉ mong mãi mãi làm người học trò giỏi của người, thì chắc chắn chẳng khi nào chúng ta trở thành người thầy vĩ đại của người. Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên trong quá khứ, chưa thấy xuất hiện tại đất nước này những bậc thầy vĩ đại, những nhà đại tư tưởng, những nhà đại văn hào, những người đại phát minh. Khi ách nô lệ nặng nề hàng ngàn năm đến nay đã nhẹ rồi, không để ách nô lệ nước nào nữa, thì tất cả chúng ta kỳ vọng vào kỷ nguyên thực sự độc lập về văn hóa tư tưởng, phải sản sinh ra những bậc anh tài kiệt xuất.

Cho dù phải đợi suốt thời gian nữa, ta mới thấy xuất hiện những bậc thầy vĩ đại muôn thuở, thì ngay bây giờ ta phải quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện ấy, phải có niềm tin, niềm tự hào về đất nước này, dân tộc này, về truyền thống thông minh sáng tạo của dân tộc.

Dù sao, qua lịch sử, chúng ta cũng thấy được vài hình ảnh người thầy giáo xưa, và nay thì đã qua rồi thời đại các thầy giáo ấy. Song còn gì đọng lại nơi các thầy giáo ngày nay và cho muôn đời sau, hay có đặc trưng nào chung nhất cho người thầy giáo Việt Nam của mọi thời đại? Chân dung người thầy giáo Việt Nam thế nào, có những đặc trưng truyền thống nào? Nơi một thầy giáo Việt Nam bình thường chứa đựng cốt cách riêng, đặc điểm riêng dân tộc nào không?

Thầy nghĩ rằng so sánh cách xưng hô của người Việt mình ở học đường, ngoài xã hội, trong gia đình với cách xưng hô của các dân tộc khác từ Đông sang Tây, ta sẽ thấy nét đặc trưng độc đáo của người Việt Nam. Rõ ràng cách xưng hô trong gia đình Việt Nam rất thân thiết đặc biệt là có nhiều mức độ thân thiết khác nhau. Cách xưng hô ở học đường, xã hội Việt Nam rõ ràng phản ảnh “khuynh hướng gia đình hóa xã hội”, một đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Cách xưng ho thầy (cô), em (con) nói lên mối quan hệ tình cảm đặc biệt của thầy trò chúng ta, mối quan hệ có tính cách gia đình. Nhà trường được coi như mái ấm gia đình thứ hai. Người thầy giáo được coi như bậc huynh trưởng trong gia đình ấy, là thế hệ đàn anh có nhiệm vụ dẫn dắt thế hệ đàn em. Người thầy giáo Việt Nam cần phải có lòng yêu nghề mến trẻ, thực sự vì trẻ, vì đàn em, vì học trò thân yêu, phải coi học trò như con em mình.

Trên cơ sở “tình thương yêu gia đình thứ hai” ấy, người thầy giáo Việt Nam cần phải có lề lối giáo dục, biện pháp giáo dục phù hợp, ít dùng biện pháp hành chánh, kỷ luật đối với trẻ mà nặng về biện pháp giáo dục hướng dẫn, tình cảm cảm hóa trẻ. Ngoài tư tưởng tình cảm, người thầy giáo Việt Nam còn cần tới hành động làm gương để giáo dục trẻ. Gương càng sáng, người thầy giáo càng có tác dụng giáo dục, còn không lại phản tác dụng. làm gương qua lời nói, tác phong, cử chỉ, việc làm trong công tác, trong cuộc sống ở học đường, ở ngoài đời. Gương sáng đặc biệt Việt Nam trở thành phẩm chất cao quý nhất của những nhà giáo nổi tiếng muôn đời là tấm gương sáng về khí phách, lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, lòng trung trực, cuộc sống thanh bạch. Khí phách ấy là dám nghĩ, dám nói, dám làm, có suy nghĩ độc lập, ung dung tự tại, không sau thời, không ham quyền lực, chức tước danh lợi.

Đáp ứng những yêu cầu khách quan của xã hội Việt Nam trên, người thầy giáo Việt Nam sẽ phát huy tác dụng giáo dục, đào tạo học trò, nếu khác đi rất là gượng ép, công tác giáo dục của người thầy giáo Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, rất ít tác dụng đối với học trò của mình.

Từ mối quan hệ thầy trò trên cũng như những yêu cầu trên, ta thử định hình nhân cách của người thầy giáo Việt Nam như thế nào?

Ấy là hiền, là hay, là gương mẫu. Đó là những đức tính chủ yếu của người thầy giáo Việt Nam. Dĩ nhiên còn đòi hỏi nhiều đức tính khác nữa nơi người thầy giáo Việt Nam, song mỗi dân tộc có những đức tính chủ yếu khác nhau, có dân tộc cần tài năng, trách nhiệm, công minh lên hàng đầu. Nội dung các đức tính hiền, hay, gương mẫu ở mỗi thời đại có ít nhiều thay đổi tùy theo quan điểm cách sống mỗi thời đại. Người hiền xưa dĩ nhiên phải khác với người hiền nay; cái hay, gương mẫu xưa tất nhiên có khac với cái hay, gương mẫu hiện đại, song đều có những gì nhất quán xưa nay. Từ mối quan hệ tình thương như gia đình, người học trò khao khát được thầy cô thương yêu mình như cha mẹ hiền, anh hiền, chị hiền yêu thương con em mình. Người thầy hiền như vậy là người tốt bụng, không làm hại học trò, mọi việc làm đều có tác dụng khiến học trò nên người tốt, phải tận tình dạy dỗ, bao bọc học trò. Cái cảm giác “thầy hiền” nơi học trò là do những biểu lộ tình cảm hay ho những sự mềm dẻo qua lời nói cử chỉ, thái độ. Hiền không có nghĩa là dễ dãi, bỏ bê, phó mặc, chiều chuộng học trò muốn làm gì thì làm, hư hỏng cũng chẳng hề quan tâm. Hiền như vậy người ta  gọi là hiền quá thành ngu. Hiền như thế phải là hiền khôn. Người hiền không những là người có đức hạnh, tâm tính tốt mà còn là người khôn ngoan, có tài năng, dĩ nhiên tâm tính tốt là chủ yếu.

Người thầy hay là người thầy tốt, giỏi, tài năng, có nhiều khả năng, kiến thức rộng. Hay về chuyên môn, hay về tổ chức, biện pháp giáo dục, hướng dẫn, sinh hoạt, dĩ nhiên, mỗi thời đại có những yêu cầu khác nhau, song bao giờ cũng phải có thực chất thực tài. Cái cảm tưởng “thầy hay, thầy tài” nơi học trò là do những biểu hiện giảng dạy lôi cuốn, hấp dẫn hoặc do hiệu quả, kết quả học tập, thi cử trước mắt. Song cái hay, cái hiệu lực toàn diện, sâu xa của người thầy thì không thể thấy ngay được, đòi hỏi thời gian dài. Có khi cả cuộc đời học trò hoặc người thầy. Bởi hiệu quả giáo dục có khi tức thì, có khi phải về lâu về dài, tùy theo đối tượng, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo sự việc. Thế cho nên, để đánh giá cái hay của người thầy đòi hỏi phải có một quá trình, không thể qua một vài giờ dạy hay một vài việc làm, hoạt động.

Người thầy gương mẫu là người thầy làm gương trong thực tế, khuôn phép, mực thước trong lời nói, thái độ, tác phong, cử chỉ, hành động. Người thầy giáo là tấm gương sáng cho học trò noi theo. Điều này nói lên đặc điểm trong thực tế của người Việt Nam, người thầy giáo cũng phải đáp ứng yêu cầu ấy. Mô phạm gương mẫu còn nói lên yêu cầu cao về đạo đức của người thầy giáo. Tấm gương sáng cụ thể thì mỗi thời đại có khác nhau có mặt chủ yếu khác nhau. Song muôn thuở đều có yêu cầu cao về đứng đắn, trung thực, trách nhiệm, nhiệt tình.

[Người thầy Việt Nam phải là người thầy có tinh thần bao dung, sẵn sàng tha thứ cho học trò hay những người khác. Sự nghiệp thầy càng lớn khi cảm hóa được nhiều học trò phá nghịch. Chính những học trò phá nghịch, cá biệt được thầy cảm hóa dễ thành những người đóng góp cho đời trước hết khi ra đời không quấy phá xã hội, mà còn làm những chuyện tốt không ai ngờ và luôn là những người biết ơn nghĩ đến thầy hơn cả những học trò khác.

Người thầy Việt Nam còn là người lương thiện, trung thực, không gian dối. “Chính lương sư hưng quốc”. Chính những người thầy chính trực, không sợ cường quyền, sẵn sàng “tâu chém đầu những kẻ lộng thần”, nếu đã dạy hay cố vấn cho những bề trên như Vua”. Như xưa “tiến vi quan, đạt vi sư”. Lui về ẩn sĩ thì thỉnh thoảng một vài câu thanh nghị cố vấn cho cộng đồng.

Người thầy Việt Nam có cuộc sống đạm bạc, “an bần lạc đạo”, không tham danh lợi, địa vị. Nếu háo danh, ham lợi, học trò không nể vì, thì không dạy được ai.

Tuy vậy trong hoàn cảnh lịch sử mới “toàn cầu hóa”, quan trọng vấn là chuyên môn chuyên sâu và nắm vững khoa sư phạm, sẽ đóng góp cho đời, đào tạo nhiều học trò giỏi. Trò giỏi mà có đạo đức tốt mới trở thành hiền tài. Hiền tài là nguyên khí quốc gia.

Còn nhiều điều muốn nói. Song có điều thầy muốn lưu ý với các em, nhân vô thập toàn, nên nếu có ai chỉ trích mình kể cả bôi xấu mình thì cũng mặc kệ. Sự thật chỉ có một, cây ngay không sợ chết đứng. Nếu người ta phê bình đúng điều nào thì mình biết mà sửa. Còn nói sai nhất là nói sai về thầy mình cũng không nên nổi nóng, phải bình tĩnh ứng xử, đừng để mất cả hòa khí. Có khi giận mất khôn, người sai bị chạm tự ái, lại cố bảo vệ mình không chịu cho mình là sai đâu. Khi họ bình tĩnh lại, họ mới chấp nhận họ là sai. Cũng có người cố chấp khư khư không chịu nhận mình là sai, chứ đừng mong họ ngỏ lời xin lỗi.

Có lẽ hiện nay người Phương Tây, luôn có lời xin lỗi, có văn hóa xin lỗi. Có lẽ đã quen ở nhà thờ luôn đập lên ngực: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.”

Để giải quyết cho Việt Nam hiện nay những hệ lụy của chiến tranh vô cùng to lớn, những thù hận còn quá nhiều, những người tham gia cuộc chiến hay những nạn nhân đều bị nhiều điều thua thiệt nhất là về Bên thua cuộc. Hiện nay trên 4 triệu người ở hải ngoại, cuộc sống vật chất có khả quan, song về tinh thần rất tội nghiệp, xa quê như mất mát quá lớn như mất nước, mất cả sản nghiệp, mất cả những người thân. Trong nước tuy có phát triển song còn tụt hậu, những người tham gia đấu tranh cho cho lý tưởng gần như thất vọng, nhất là thấy đạo đức suy đồi đến mức không thể tả. Niềm tin bị mất!

Trong lịch sử đã trải qua bao cuộc chiến rồi với thời gian cũng phôi pha, còn thù hằn nữa đâu!

Người Việt vốn có nhiều cái hay nhưng không ít những cái xấu xí. Trong và ngoài nước tha hóa đến cùng cực, không tin vào nhau, sẵn sàng bôi nhọ lẫn nhau.

Từ xa xưa người ta vẫn nói ở trên “Lương sư hưng quốc”. Đất nước là của chung. Dĩ nhiên chính quyền phải có trách nhiệm chính và có tính quyết định. Song thầy nghĩ chính chúng ta mỗi người cũng phải nhận lấy trách nhiệm và phải cố dạy cũng như học. Hiện nay nguy cơ trở thành thuộc quốc không còn mơ hồ như thầy đã viết kế sách cứu nước và đã thi hóa thành Kinh Thư. Thầy cũng đã đưa các nghệ sĩ hát trong Hội Chợ Phú Thọ trong những năm vừa qua và ngay tại nhà với chương trình Đêm Ca trù & Hát thơ Báo hiếu nhân kỷ niệm ngày mất của Cố Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi. (Tìm xem trên Google: Hát thơ 2012, 2013, 2014; Đêm Ca trù & Hát thơ báo Hiếu 2012).

Bây giờ không phải là lúc bôi nhọ nhau nữa mà mỗi người phải có tinh thần yêu nước cụ thể với những hành động yêu nước cụ thể xây dựng nội lực đất nước hùng cường.

Vấn đề chí cốt hiện nay là vấn đề giáo dục mà người thầy rất quan trọng.

Còn nhiều điều chúng ta cần nói ra để mọi người chia sẻ mà hành động! Thầy mong các em mỗi  người viết cho thầy một bức thư, nếu thư nào hay, thầy sẽ để trong tác phẩm “Tâm sự người thầy thế kỷ XX” hay “Xây dựng chân dung người thầy Thế kỷ XX”. Nếu không đưa vào sách thì cũng có thể đưa vào báo, kỷ yếu hay trên mạng của thời đại Điện tử các em ạ.

Thư bất tận ngôn,

Thương mến,

Nguyễn Nhã

Viết xong ngày 20 tháng 4 năm 2014 - phần trong [ ] mới bổ sung]