Thứ bảy, 14 Tháng 6 2014 23:19
Trích đoạn cải lương "Tiếng trống Mê Linh" qua tiếng hát Thanh Nga - Thanh Sang
User Rating: / 1
PoorBest 
Share on Facebook

"Tiếng trống Mê Linh" do Đoàn cải lương Thanh Minh dàn dựng và biểu diễn vào năm 1976. Bối cảnh của vở cải lương là giai đoạn lịch sử: Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán, năm 40 sau Công nguyên, lúc bấy giờ nước ta là quận Giao Chỉ. Trích đoạn được cho là hay nhất là lớp diễn cảnh tế sống Thi Sách để nghĩa quân nổi trống tấn công Luy Lâu thành. 

Lời lẽ trong vở diễn thật giản dị nhưng đầy chất văn học, đã phá tan định kiến của một số người cho rằng cải lương là “quê mùa”, “lạc hậu”. Chưa kể trong lời nói lối của Thanh Nga có tiết tấu và nhịp điệu rất hay, là một cách giáo dục âm nhạc cho lớp trẻ không thua gì tân nhạc. Cho đến bây giờ, "Tiếng trống Mê Linh" vẫn là một vở diễn vào hàng đẹp nhất của sân khấu cải lương Việt Nam.

 TiengTrongMeLinh

Trong chương trình truyền hình thực tế "Gương mặt thân quen" đêm chung kết của năm 2014, nghệ sĩ Hoài Lâm đã hóa thân thành nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga và Thanh Sang cùng lúc cũng với trích đoạn của lớp diễn hay nhất và đã mang đến sự xúc động lớn cho người xem lẫn ban giám khảo khi đặt vào bối cảnh thời sự của Việt Nam. 

Phần lời rút gọn do Hoài Lâm thể hiện:

Nói lối:

Trưng Trắc: Hỡi phu tướng....Cách tường thành phu tướng không thể nào thấy được, nhưng tâm linh chàng ắt sẽ cảm thông. Nay thiếp vọng bàn thờ trước ngưỡng cửa Liên lâu thành, hương khói nhạt xin chàng chứng giám.

Nhớ năm xưa chúng ta cùng nhau hiệp cẩn, đã lạy nhau ba lạy để vầy cuộc trăm năm. Thời gian qua thiếp chưa từng lỗi đạo vợ hiền, còn chàng cũng vẹn nghĩa tình phu tướng. Chàng với thiếp cùng chung chí hướng, vai kề vai gánh nặng non sông...

Vọng cổ (câu 4):
Nhưng hỡi ơi, chí tang bồng nay chưa kịp thỏa thì đường âm dương cách trở - lành lạnh áng mây ... sầu...

Thiếp xin được quấn vành khăn tang trắng lên đầu. Lạy thứ nhất, thiếp xin tạ tội vì không đủ tài để cứu nổi phu quân. Lạy thứ hai, thiếp mong được thứ tha vì đau lòng tế sống người bạn trăm năm chăn gối. Ôi trời Liên lâu chưa tan hồi trống trận, mà đất Mê Linh hoa lá vội thương sầu... (nói) Thi tướng quân... Thi tướng quân...

Vọng cổ (câu 5):
Thi Sách: Phu nhân... Phu nhân ơi khăn trắng đêm nay sẽ làm trắng khăn tâm sự. Thì ba lạy tạ từ của phu nhân cũng đã trọn tình vẹn nghĩa. Đứng trên giàn hỏa ta nguyện làm mồi cho lửa đỏ để bao người chiến sĩ hiên ngang không chậm bước... oai... hùng.

Lần gặp nhau đây là lần gặp gỡ sau cùng. Ta cám ơn tất cả đã đình binh để bảo toàn mạng sống cho ta, dầu chỉ trong giây phút ngắn ngủi nhưng nàng hãy ra lệnh cho nghĩa binh anh dũng nổi trống đồng đi, hãy nổi trống tấn công đi. Hãy tấn công trong tiếng cười ngạo nghễ để đưa tiễn hồn ta đi theo tiếng trống oai hùng...

Phu nhân ơi sống thác là chuyện đi về, hợp tan là trò dâu bể, tất cả là điều không đáng kể mà chuyện đáng lo sự trường tồn của dòng dõi Hùng Vương...

Trưng Trắc (nói): Hỡi ba quân tướng sĩ, ta đã làm tròn đạo nghĩa vợ chồng, giờ ta ra lệnh tấn công, dầu phải hy sinh phu tướng!

Trưng Nhị: Chủ tướng!

Trưng Trắc: Xin chàng hãy hiểu nỗi lòng của thiếp ... (Dứt 3 hồi trống)

Trưng Nhị: Lạy chị cho em được nổi trống tấn công.

Trưng Trắc: Truyền tấn công!

Đất nước Nam độc lập muôn đời.